Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Không có dấu chân kẻ lười biếng

Thứ sáu - 05/02/2016 02:36
Tại Giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học sinh viên ĐHQGHN năm 2015, sinh viên Vũ Đình Luật (K57H, Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa) đã đạt giải nhì  và giành giải nhất trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Đồng thời là công trình duy nhất được chọn tham gia Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ do Bộ GD và ĐT tổ chức.
 
Cơ duyên nào đã đưa em đến học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ?
Năm 2012, em đã đăng ký thi vào ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ ở nguyện vọng 1 nhưng thiếu 0.5 điểm. Không từ bỏ, nguyện vọng 2 của em vẫn là Trường ĐHCN ở khoa CHKT&TĐH và Học viện Bưu chính viễn thông. Nhưng chờ mãi em chỉ nhận được giấy báo nhập học của Học viện Bưu chính viễn thông., nên lúc đó em quyết định sẽ theo học. Bất ngờ thay, khi em chuẩn bị đi làm thủ tục nhập học lại nhận được giấy báo của Trường ĐHCN và em vẫn quyết định chọn Trường ĐHCN. Đó là điều vô cùng may mắn đối với em.
Vào năm học thứ hai, lớp em có môn “Cơ học môi trường liên tục” do GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức giảng dạy và em đã rất may mắn khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Thầy. Vì em có hứng thú với nghiên cứu khoa học nên Thầy đã hướng dẫn tận tình từng bước để em làm quen với nghiên cứu khoa học. Đến bây giờ thì hàng tuần thầy vẫn đều đặn tổ chức seminar cho nhóm để đánh giá tiến độ cũng như giải đáp thắc mắc trong quá trình nghiên cứu của chúng em. Với niềm đam mê với khoa học và muốn thử thách bản thân nên em đã chọn đề tài “Phân tích động lực học phi tuyến và dao động của vỏ thoải hai độ cong FGM áp điện có kể đến ảnh hưởng của cản nhớt và chịu tác dụng của tải trọng nhiệt-điện-cơ” ngay từ ngày đầu tham gia nghiên cứu. Với đề tài này em mong muốn rằng có thể tạo ra một loại vật liệu trở nên hoàn hảo hơn, ưu việt hơn so với các vật liệu đã có, để có thể đáp ứng được các điều kiện ngày càng khắc nghiệt của môi trường hiện nay.
May mắn cũng đến với em khi em làm xong đề tài này thì khoa có thông báo về hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Không suy nghĩ, em đã lập tức đăng ký tham gia và hết sức bất ngờ rằng đề tài của em đã giành giải nhất, đồng thời được chọn tham dự Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ do bộ GD và ĐT tổ chức.
Sinh viên Vũ Đình Luật tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường
 
Công trình nghiên cứu của em có nội dung và ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn?
Đề tài của em là: “Phân tích động lực học phi tuyến và dao động của vỏ thoải hai độ cong FGM áp điện có kể đến ảnh hưởng của cản nhớt và chịu tác dụng của tải trọng nhiệt-điện-cơ”. Đề tài sẽ đi vào phân tích động lực học phi tuyến và dao động của vỏ thoải hai độ cong không hoàn hảo làm bằng vật liệu FGM, có thêm lớp áp điện và có kể đến ảnh hưởng của cản nhớt. Vỏ được đặt trên nền đàn hồi và chịu sự tác dụng của tổng hợp các tải trọng nhiệt, điện và cơ. Các tính chất vật liệu của vỏ được giả sử phụ thuộc vào nhiệt độ. Đặc biệt có xét đến sự biến dạng của cả lớp FGM và lớp áp điện do nhiệt gây ra.
Các kết quả nhận được sẽ là thông tin rất cần thiết cho việc thiết kế các kết cấu quan trọng như thân vỏ các lò phản ứng, tên lửa, các ống dẫn kỹ thuật làm việc trong môi trường nhiệt độ cao,… Hơn nữa các kết quả nhận được là dưới dạng giải tích, do đó nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà thiết kế, chế tạo  kết cấu FGM, xây dựng các đề tài sử dụng vật liệu FGM, giúp cho các nhà thiết kế, chế tạo, xây dựng,...có thể lựa chọn phù hợp, chính xác sự phân bố vật liệu thành phần trong FGM cũng như các tham số của kết cấu và nền để vừa phát huy được khả năng chịu tải, khả năng kháng nhiệt ưu việt của vật liệu trong môi trường nhiệt độ cao, lại vừa hạn chế được khả năng rạn nứt hoặc phá huỷ của kết cấu có thể xảy ra khi chịu tải cơ lớn, cũng như lựa chọn nền hợp lý.
Sinh viên Vũ Đình Luật chụp ảnh lưu niệm cùng thầy hướng dẫn GS.TS Nguyễn Đình Đức (thứ ba, bên phải ảnh)
 
Trong quá trình thực hiện đề tài, đối với em có những giai đoạn khó khăn và thuận lợi nhất em đã trải qua như thế nào?
Tuy đề tài này được đánh giá rất khó nhưng em vẫn muốn thử sức mình nên cuối cùng em vẫn quyết định chọn đề tài này. Trong quá trình làm, có rất nhiều khó khăn xảy ra như các bước tính toán quá dài và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Đã có những lúc em bế tắc trong bước tính toán tiếp theo hoặc những lúc nản chí vì phải làm việc với công thức dài đến một trang giấy. Những lúc như vậy em lại miệt mài thức đêm để hoàn thành việc tính toán tưởng chừng như không thể kết thúc. Quá trình khó khăn nhất khi thực hiện đề tài này là giải quyết hệ phương trình mô tả chuyển động của vỏ FGM áp điện vì hệ phương trình này không những khó giải mà còn rất nhiều hệ số phức tạp và đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.
Giai đoạn khó khăn mà em cảm thấy khó để vượt qua là những lúc vào kỳ thi. Để kết hợp việc học trên lớp và nghiên cứu khoa học không hề dễ, trong kỳ thi mà nghiên cứu thì sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập và ngược lại nếu tập trung vào thi cử mà bỏ bẵng một thời gian không nghiên cứu thì sẽ rất lúng túng khi quay lại nghiên cứu. Để làm tốt cả hai việc thì em cần chăm chỉ gấp đôi so với bình thường và tập trung cao độ khi thực hiện cả hai công việc.
Nhưng với sự động viên, giúp đỡ của thầy và các anh chị bạn bè trong nhóm nghiên cứu thì em đã hoàn thành đề tài này sau một năm đầy cố gắng. Điều bất ngờ rằng trong vòng chưa đầy một tháng công trình đã được đăng lên Tạp chí khoa học quốc tế ISI. Kết quả được công bố trên tạp chí là nguồn động viên rất lớn đối với em sau những ngày làm việc chăm chỉ, thậm chí có những hôm phải làm việc cả ngày lẫn đêm.Và kết quả đó cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng trên con đường nghiên cứu khoa học tiếp theo của mình.
Bên cạnh đó, em cũng có rất nhiều thuận lợi khi có người thầy là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn tận tụy, quan tâm tới sinh viên. Thầy luôn sẵn sàng giải đáp khi sinh viên có bất cứ câu hỏi nào. Ngoài ra, trong nhóm cũng có các anh chị đi trước rất nhiệt tình giảng giải những điểm chúng em chưa hiểu.
Em có điều gì hoặc mong muốn gửi tới các bạn sinh viên đam mê khoa học không?
Những cuộc thi này sẽ là cơ hội rất lớn đối với sinh viên nghiên cứu khoa học, giúp chúng em tích lũy thêm kinh nghiệm và đồng thời là niềm khích lệ đối với chúng em sau những ngày cố gắng không ngừng. Qua đó, Nhà trường cần phổ biến nhiều hơn nữa tới sinh viên, để những ngọn lửa đam mê khoa học bùng cháy trong mỗi sinh viên.
Là một sinh viên hiện đã có kết quả trên con đường nghiên cứu khoa học em muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên đam mê khoa học thông qua một câu nói nổi tiếng rằng “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Các bạn sinh viên đam mê khoa học hãy cố gắng cố gắng hơn nữa, cháy bỏng hơn nữa để những ước mơ của mình bay cao, bay xa hơn trên đôi cánh dệt bởi những tri thức khoa học.
Trong tương lai, em có định tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học không?
Trong tương lai em rất muốn được cống hiến sức trẻ của mình cho nền khoa học nước nhà cũng như nền khoa học thế giới, muốn được nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm công nghệ giá trị giúp cải thiện cuộc sống đầy khó khăn của chúng ta hiện nay.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 46


Hôm nayHôm nay : 7159

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 438363

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8972432