Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Cất cánh trên bờ vai truyền thống

Thứ sáu - 05/02/2016 02:50
Năm 2015, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho những đóng góp xuất sắc
Năm 2015, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành lập, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Chủ nhiệm Khoa về một số hoạt động nổi bật trong thời gian gần đây.
- Nhiều năm qua, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN luôn thu hút đông đảo học sinh đoạt giải quốc tế, quốc gia và những thí sinh có điểm thi cao. Ông lí giải về điều này thế nào?
Tôi cho rằng có 3 điều làm nên sự hấp dẫn của Khoa Công nghệ thông tin suốt thời gian qua. Đó là: nội dung các chương trình đào tạo của Khoa cập nhật, sát với thực tế; đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa có trình độ và sự tâm huyết; sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành và có thu nhập cao.
Hiện nay, Khoa Công nghệ thông tin đang triển khai 5 chương trình đào tạo bậc đại học, 5 chương trình đào tạo thạc sĩ và 4 chương trình đào tạo tiến sĩ. Trong số này, có 2 chương trình đại học đã được đánh giá kiểm định bởi AUN-QA; 2 chương trình sau đại học đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Kể từ khi thành lập, các chương trình đào tạo của Khoa luôn bám sát nhiệm vụ được giao: đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập, Khoa là một trong những địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vê công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Về đội ngũ cán bộ, Khoa hiện có trên 80 cán bộ, giảng viên, trong đó có 16 GS, PGS và 31 TS. Hầu hết các giảng viên của Khoa đã tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, đã từng làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế. Các thầy cô không chỉ nghiên cứu lý thuyết mà còn bám sát thực tiễn, nhận diện được những thuận lợi và thách thức, từ đó hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Không ít thầy cô đã giành được những giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế cho lĩnh vực công nghệ thông tin: Quả cầu vàng, Nhân tài đất Việt, IBM Faculty Awards,…
Theo khảo sát mới đây, 100% sinh viên tốt nghiệp tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo ngay khi tốt nghiệp và có mức lương khá cao. Hầu hết các sinh viên từ năm thứ 2 của Khoa đã có việc làm bán thời gian tại các công ty, doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Bảng tin của Khoa xuất hiện thường xuyên các thông báo tuyển dụng với mức lương khởi điểm 500 USD/ tháng. Có lẽ điều này cũng là một trong những yếu tố góp phần hối thúc những bạn trẻ yêu thích lĩnh vực công nghệ thông tin quyết tâm thi đỗ vào Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
Một số cán bộ Khoa Công nghệ thông tin 
 
- Là một khoa chủ lực của Trường ĐH Công nghệ, qui mô đào tạo của Khoa Công nghệ thông tin hiện nay ra sao, thưa Chủ nhiệm Khoa?
Mỗi năm, Khoa Công nghệ thông tin tuyển sinh trên 400 cử nhân đại học chính quy, trên 100 học viên cao học và khoảng 10 tiến sĩ. Nhiều người sau khi tốt nghiệp tại Khoa giữ vai trò chủ chốt trong các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục uy tín khắp cả nước.
Năm 2014, Khoa Công nghệ thông tin là một trong 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn an ninh thông tin trong Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” theo quyết định s 99/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Bên cạnh hoạt động đào tạo, Khoa Công nghệ thông tin còn có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ông có thể cho biết các thông tin cụ thể hơn?
Song song với công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một thế mạnh truyền thống của Khoa Công nghệ thông tin từ nhiều năm nay. Trong 5 năm qua, Khoa đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế như: Knowledge and Systems Engineering - KSE, Computing and Communication Engineering - RIVF, Automated Technology for Verification and Analysis - ATVA,  Queueing Theory and Network Applications – QTNA,...
Hè 2015, Khoa Công nghệ thông tin đã tổ chức trường hè về Học máy thống kê thu hút được nhiều học viên tham gia đến từ các trường đại học và doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, hội thảo KSE do Khoa khởi xướng đã trở thành hội thảo quốc tế thường niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thu hút sự tham gia của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về công nghệ thông tin trong nước và quốc tế.
Trong 5 năm vừa qua, cán bộ của Khoa đã chủ trì thực hiện 09 đề tài thuộc quỹ Nafosted, 3 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp thành phố và nhiều đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2015, PGS.TS Lê Sỹ Vinh cùng các cộng sự khoa học của Trường Đại học Công nghệ cùng các trường đại học trong và ngoài nước công bố kết quả nghiên cứu xây dựng và phân tích thành công hệ gen của 3 cá thể thuộc một gia đình người Việt trên tạp chí quốc tế Journal of Biosciencesthuộc hệ thống SCI.
Bên cạnh đó, các giảng viên - nhà khoa học của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài ứng dụng thực tế, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao như: Hệ thống cung cấp video 360 độ, Trường - Nhà, Phân tích quan điểm cộng đồng,…
Cán bộ Khoa Công nghê thông tin giữ vai trò chủ chốt trong Dự án Giám sát bề mặt với các sản phẩm “Hệ thống Giám sát và cảnh báo cháy rừng” hợp tác với Tổng cục lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, “Hệ thống quản lý cảnh báo ô nhiễm không khí” hợp tác với Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường...
Năm 2015, Khoa đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hợp tác doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa đào tạo nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong công nghiệp. Trung tâm là đầu mối để triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước như: Toshiba, Samsung, Viettel R&D, NTT Data, Fsoft, SmartOSC v.v..
 
Leex khai trương Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hợp tác doanh nghiệp của Khoa
 
- Ông có thể chia sẻ thêm về việc Khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển Tin học Việt Nam tham gia các kì thi khu vực và quốc tế?
Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic Tin học Quốc tế (IOI) từ năm 1989 và đã giành được thành tích cao qua các năm. Người thầy đầu tiên phát động phong trào và đề xuất đoàn Việt Nam tham gia thi IOI là PGS.TS.NGND Hồ Sĩ Đàm - Chủ nhiệm Khoa CNTT đầu tiên.
Trong 10 năm sau đó, thầy Hồ Sĩ Đàm đã tham gia dẫn đoàn với tư cách là Trưởng đoàn. Năm 1999, đội tuyển Việt Nam đã xếp hạng nhất toàn đoàn vào kỳ Olympic Tin học Quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ trong số 67 quốc gia tham dự.
Luôn trăn trở với sự phát triển của bộ môn Tin học, năm 2010, PGS.TS. NGND Hồ Sĩ Đàm đã đưa ra kiến nghị nên để môn Tin học cho Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ tổ chức thi và tập huấn. Vì đội ngũ cán bộ Khoa Công nghệ thông tin đã có nhiều năm kinh nghiệm và tham gia ra đề các kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế (viết tắt là ACM/ICPC) cấp sinh viên. Đồng thời, Trường ĐH Công nghệ cũng tập trung các giảng viên đã từng tham gia thi IOI cũng như huấn luyện đội tuyển quốc tế như PGS.TS Nguyễn Việt Hà, PGS.TS Phạm Bảo Sơn, PGS.TS Lê Sỹ Vinh, PGS.TS Bùi Thế Duy...
Do vậy, bắt đầu từ năm 2011, Khoa Công nghệ thông tin là đơn vị được Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao nhiệm vụ làm đầu mối tập huấn và tổ chức thi tuyển chọn đội tuyển tham dự Olympic Tin học Quốc tế.
Trong suốt quá trình tập huấn, tập thể các thầy đến từ nhiều đơn vị trong khắp cả nước với sự ủng hộ của lãnh đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đã đề xuất thêm về việc đoàn Việt Nam nên tham gia kỳ thi Olympic Tin học châu Á -Thái Bình Dương (APIO). Bộ GD&ĐT đã phê duyệt  đề nghị này và đến năm 2013, đoàn Việt Nam đã tham dự cả hai cuộc thi APIO và IOI. Từ đó, Trường ĐH Công nghệ vừa tổ chức thi, tuyển chọn vừa trực tiếp tổ chức tập huấn cho các thí sinh trong đội tuyển với đội ngũ các thầy đến từ nhiều trường đại học, trường chuyên trong cả nước.
Trong mọi hoạt động liên quan, từ khâu tổ chức đến tập huấn của kỳ thi do Khoa đảm nhiệm, luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ và đơn vị liên quan. Trong nhiều hội nghị, lãnh đạo Nhà trường luôn nhất quán quan điểm, coi việc huấn luyện đội tuyển Tin học Việt Nam tham gia các kì thi khu vực và quốc tế là nhiệm vụ của đơn vị, từ đó vị trí và uy tín của Trường đã tăng lên đối với những học sinh giỏi Tin học. Điều này thể hiện bằng việc đa số các học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế về Tin học đều đăng ký tuyển thẳng vào Trường ĐH Công nghệ.
Năm 2015, đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Tin học Châu Á Thái Bình Dương được 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng - kết quả cao nhất từ trước tới giờ của đoàn Việt Nam tại kỳ thi Tin học Châu Á Thái Bình Dương.
Cũng trong năm 2015, đội tuyển tin học Việt Nam tham dự kỳ thi Tin học Quốc tế đạt 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, xếp thứ 8 trong tổng số 83 nước tham gia - kết quả cao nhất của Đoàn Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây.
Khoa được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển thi Olympic tin học quốc tế
 
 - Sinh viên là chủ thể quan trọng nhất trong các hoạt động của các cơ sở giáo dục. Ông có thể điểm qua một vài hoạt động nổi bật của Khoa?
Năm 2001, Khoa Công nghệ thông tin là đơn vị đào tạo đại học về Công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam đưa chứng chỉ kỹ năng cơ bản CNTT theo chuẩn Nhật Bản và chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL làm điều kiện cấp bằng tốt nghiệp của Chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao. Điều này đã giúp cho sinh viên tốt nghiệp tại khoa đáp ứng toàn diện các yêu cầu của các tập đoàn công nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Năm 2009, Khoa Công nghệ thông tin - một trong những đơn vị khởi xướng cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ ICPC ở Việt Nam, là khoa đầu tiên 3 năm liền 2007, 2008 và 2009 có đội tuyển sinh viên dự thi vòng chung kết toàn cầu cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC.
Bên cạnh đó, Đội tuyển của Khoa Công nghệ thông tin đoạt vô địch vòng chung kết quốc gia ACM/ICPC 2014 và giành thứ hạng 20 trong tổng số các quốc gia tham dự tại Vòng chung kết ACM/ICPC toàn cầu năm 2015.
Không chỉ với kì thi ACM/ICPC – một kì thi dành cho những người yêu thích lập trình trên toàn thế giới, Khoa Công nghệ thông tin còn tạo điều kiện và khuyến khích các sinh viên tham gia nhiều kì thi có uy tín khác như: Cuộc thi Procon, Microsoft Imagine , tìm kiếm tài năng Samsung. Bên cạnh đó Khoa cũng tổ chức các cuộc thi Hackathon như GAMELOFT GAME JAM, UET Hackathon Open tạo thêm các sân chơi đa dạng cho sinh viên.
Một trong những giải thưởng uy tín cho sinh viên khối công nghệ kỹ thuật trong cả nước là giải thưởng Honda YES. Trong 5 năm gần đây, có 9 sinh viên của Khoa CNTT đạt giải thưởng này. Đặc biệt, trong hai năm 2014, 2015 liên tiếp, Khoa CNTT đạt 3 trong tổng số 10 giải thưởng Honda YEShàng năm cho các trường công nghệ kỹ thuật trên cả nước.
Là một trong những cơ sở đào tạo thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, vì thế mỗi năm có hàng chục lượt sinh viên, học viên cao học được nhận học bổng đi thực tập ở các trường, trung tâm nghiên cứu đối tác như NUS, JAIST, NAIST, NII và khoảng 20 sinh viên có học bổng đi học tiếp ở Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Úc ngay sau khi tốt nghiệp. Các sinh viên sau đó tiếp tục quay trở về, tiếp tục có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Đội tuyển Java# đạt kết quả cao tại cuộc thi ACM/ICPC 2015
 
Đội Animal.Oh yeah (đứng giữa ảnh) giành giải Nhì tại cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin
 
- Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin chắc hẳn có điều gì muốn chia sẻ nhân dịp 20 năm thành lập Khoa?
20 năm là một chặng đường tuy không dài song cũng không ngắn đối với quá trình xây dựng và phát triển Khoa Công nghệ thông tin. Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn tới những người quản lí tiền nhiệm cùng các Thầy Cô đã dày công khởi dựng và phát triển Khoa. Thành tích của Khoa có được là nhờ sự cống hiến, tận tâm, tận lực của các nhà giáo - nhà khoa học nhiều thế hệ đã và đang công tác tại Khoa.
Tiếp bước các Thầy, các Cô đã xây dựng Khoa CNTT được như ngày hôm nay, chúng tôi - Ban chủ nhiệm cùng với tập thể cán bộ - giảng viên của Khoa sẽ quyết tâm thực hiện thành công những nhiệm vụ cao cả theo chức năng, nhiệm vụ của Khoa về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thời gian tới, Khoa tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nổi bật như sau: Kết hợp chặt chẽ hơn nữa với công nghiệp trong đào tạo để sinh viên có được các kinh nghiệm thực tế cũng như tăng hàm lượng thực hành. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ trong lĩnh vực CNTT như an toàn thông tin, phân tích dữ liệu, v.v. góp phần nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Khoa. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các sản phẩm, giải pháp nhằm giải  quyết các bài toán thực tế trong công nghiệp và xã hội. Chú trong công tác bồi dưỡng cán bộ cả về năng lực chuyên môn và quản lý, tiếp tục thu hút được các cán bộ trẻ, có trình độ cao về công tác tại Khoa.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Phạm Bảo Sơn.
Theo Trần Đỗ Diệp Anh (thực hiện) - Tạp chí VNU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 47

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 46


Hôm nayHôm nay : 36610

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 435180

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8969249