Hẳn là thông thường, khi viết Mậu Tý mọi người đều thống nhất chữ Tý phải viết là “Y” thay “I”. Nhưng không phải ai cũng thống nhất về việc này, cho đến nay, trong rất nhiều trường hợp vẫn chưa có nguyên tắc chuẩn đối với việc sử dụng nguyên âm “I” hoặc “Y” như thế nào. Hễ cứ thấy tiện là viết. Vậy chữ Mậu Tý nên dùng “I” hay “Y” cho chính xác.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt NXB Văn hóa Thông Tin xuất bản năm 1999 do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (Bộ Giáo dục - Đào tạo), chữ “Tí”: kí hiệu thứ nhất trong 12 chi, lấy chuột làm biểu tượng, theo cách tính thời gian cổ truyền của người Trung Hoa; năm tí, tuổi tí. “Tí”: chút, lượng không đáng kể. Nếu thể theo Đại từ điển Tiếng Việt này thì năm nay phải là Mậu Tí. Trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt này, chữ “Tý” đã bị “khai tử”…
Từ những năm 1979-1980, Bộ Giáo dục đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Chuẩn hóa tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt”. Năm 1982, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập Hội đồng chuẩn hóa tiếng Việt và Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ. Năm 1984, Bộ Giáo dục tiếp tục thêm Quyết định 240/QĐ “Quy định về chính tả tiếng Việt” áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.
Nhưng đã 23 năm qua, kể từ Quyết định số 240/1984, chữ “Y” và “I” vẫn còn gây ra không ít cuộc bút chiến và những cuộc tranh luận gay gắt, và đến nay, vẫn chưa thể thống nhất là dùng “I” hay “Y” (trong bài viết này, chúng tôi chấp nhận sử dụng chữ “tý” là “Y” dài chỉ vì tính thẩm mỹ của ký tự “y”).
Ngày 15/4/2007, trên tờ Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Lê Bách có bài viết “Tiếng Việt mình… khó quá”, trong bài viết ông Bách kể rằng: Cháu ông Bách học lớp 5, khi ngồi cùng với ông nội, thấy ông nội viết “Công ty ứng dụng kỹ thuật”, cháu vội “sửa”: Ông viết sai chính tả rồi! Phải viết là “công ti ứng dụng kĩ thuật”.
Ông Bách cho rằng: Nếu ngành giáo dục dạy như vậy, cả nước sẽ… mắc lỗi chính tả mất thôi! Và biết bao nhiêu cơ quan công sở, hàng chục ngàn công ty sẽ phải sửa lại bảng hiệu là “công ti” cho… đúng chính tả.
Khi gặp học giả An Chi để hỏi về Mậu Tí hay Mậu Tý, ông An Chi chỉ cười, bởi trong nhiều trường hợp, chính học giả An Chi cũng không biết xử lý chuyện “Y” hay “I” như thế nào. Chữ Tý của Bính Tý năm 1996, ông An Chi sử dụng “Y”, và theo ông An Chi thì Tý, trong 12 con giáp phải là “Y”.
Nhưng nếu chiếu theo “chuẩn” của tiếng Việt, lý ra, năm nay ông An Chi phải viết thành “Mậu Tí”. Nhưng ông bảo, lý thì thế, nhưng khi ngồi vào bàn viết, ông có một nguyên tắc là theo thói quen, nghĩa là cứ nghĩ như thế nào thì viết như thế, chữ “Mậu Tý” vẫn là… “Mậu Tý”. Ông An Chi cho biết, chữ “Tý” trong âm xưa của Trung Quốc nghĩa là “Tử” (chỉ con), nhưng xưa tới đâu, gắn vào chữ con như thế nào, học giả An Chi chưa thể khẳng định.
Theo quan điểm của học giả An Chi, chữ Tý trong tên “Hoàng Văn Tý” phải là “Y”, cũng như chữ Tý trong 12 con giáp. Còn chữ “Tí” trong cu “Tí”, không thể không là “I”, như chữ “Tí” trong “tí xíu”, “tí ti”…
Thật ra, chuyện tranh cãi xung quanh chữ “Y” và “I” đã diễn ra từ rất lâu. Tạm thời có thể phân chia thành hai “trường phái” viết “I” được các nhà ngôn ngữ học sử dụng thường xuyên và “Y” theo cách báo chí hay sử dụng. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân tóm tắt rất ngắn gọn: “Hầu hết chữ “Tý” là từ Hán thì viết “Y” và chữ “Tí” là tiếng Nôm thì viết “I””. Tuy nhiên, hiểu là hiểu như thế, nhưng mọi chuyện lại không hề đơn giản.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân kể câu chuyện khi ông đi du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa) và chứng kiến cảnh tên trường được ghi là Lý Tự Trọng, nhưng trong sách giáo khoa lại ghi là Lí Tự Trọng. Ông Tuân nói việc không đồng nhất được ngay từ bảng hiệu trường và sách vở đã gây cho ông nhiều sự bực dọc. Bởi đơn giản, Lý Tự Trọng nếu viết là Lí Tự Trọng trên bảng hiệu trường thì không đẹp chút nào.
Vẫn theo ông Nguyễn Quảng Tuân, thì trong quyển “Từ điển tiếng Việt” của NXB Khoa học Xã hội in năm 1988 do ông Hoàng Phê chủ biên, ở trang 10 có đoạn viết: “Chính tả trong quyển từ điển này theo đúng các Quy định về chính tả tiếng Việt về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa được ban hành theo Quyết định 240/QĐ…
Nguyên âm - i cuối âm tiết được viết thống nhất bằng - I (viết HI, KI, LI, MI, TI thay HY, KY, LY, MI, TY) trừ - UY (/-wi) vẫn viết - UY (LUY, TUY..) để giữ sự thống nhất với UYÊN, UYÊT, UYT”, như thế là không ổn. Nếu xem lại các từ điển cổ như Dictionarium Anamitico Latinum của Giám mục Pigneaux de Béhaine soạn thảo năm 1772-1773 (bản viết tay), Dictionarium Anamitico-Latinum do Giám mục AJ.L.Taberd soạn thảo, in năm 1838, Dictionarium Anamitico-Latinum của J.B.
Theurel in năm 1877, Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (tập I: 1895; tập II: 1896)… đều viết thống nhất bằng I cho các chữ HI - KI - LI - MI - TI. Quyển Gébibrel viết LI và LY bằng cả hai cách. Sau khi chữ Quốc ngữ trở nên thông dụng, việc phân biệt nguyên âm “I” và “Y” lại càng rắc rối hơn. Người ta thường viết hú hí, kì kèo, li ti, lí nhí, ti hí, mí mắt, lông mi… Nhưng lại viết hy vọng, hý viện, lý lẽ, ly biệt, kỹ thuật, quốc kỳ… Có lẽ, cách viết “I” hoặc “Y” đều theo kiểu “đi hoài thành đường, viết hoài thành quen”.
Cũng như trong tiếng Pháp đa số các chữ đều viết “I” ở âm tiết cuối như abri, cri, ennemi… Nhưng cũng có lúc lại viết “Y” ở cuối như jury, Paddy… Tên người cũng vậy. Khi thì dùng “I” như Pierre Loti, lúc lại Alfred de Vigny... Cái này người Pháp tương đối giống chúng ta, thích thì dùng “Y”, khi lại dùng “I”.
Người Pháp có câu nói rất hay: “Một chính tả trong sáng là một chính tả đẹp” (Câu nói của L. Havest trong quyển “L’Académie Francaise Jean Pol Caput”) . Cái đẹp ở đây chủ yếu là tính thẩm mỹ do những ký tự của chữ viết mang lại.
Chẳng hạn như nước Ý không thể sử dụng “I” hoặc nước Mỹ cũng thế. Hơn nữa, việc sử dụng “I” hoặc “Y” không đúng nguyên tắc có thể dẫn đến những nhầm lẫn về mặt ý nghĩa, như Thúy (“Y”) và Thúi (“I”). Bên cạnh đó, những tên riêng có sử dụng nguyên âm “I” cần phải có sự chính xác như: Bùi Kỷ hoặc Trương Vĩnh Ký… đều không thể sử dụng “I” để thay thế, như cách viết trong sách giáo khoa hiện nay.
Trong tiếng Anh, tất cả các từ có âm tiết cuối là “I” đều được sử dụng thống nhất là “Y”, như: army, cry, poetry, study…
Xin kết bài viết này bằng câu nói rất thú vị của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân: “Rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới đều sai ít nhiều. Nhưng khi cái sai phổ biến quá, nên người ta cũng chấp nhận. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần có nguyên tắc về việc sử dụng nguyên âm “I” hay “Y”. Theo chúng tôi, hiện nay nguyên âm “Y” mà báo chí hay sử dụng đều chính xác hơn nguyên âm “I” mà các nhà ngôn ngữ thích nói. “Viết hoài thành quen”, đừng cầu kỳ quá mà thêm rắc rối”.
Cái chuyện “I” hay “Y” cũng như “C” hay “K” hẳn là chuyện dài tập, nhưng “Mậu Tý” thì không thể là “Mậu Tí”, nhất là khi xét về mặt… thẩm mỹ!? Có lẽ, những nhà biên soạn Đại từ điển tiếng Việt nên suy nghĩ lại…