Nghiệm thu đề tài KH “Các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên các trường đại học tại ĐBSCL"

Vào chiều ngày 14 tháng 01 năm 2015, buổi đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên các trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long” do TS. Dương Đăng Khoa là chủ nhiệm đề tài đã diễn ra tại Trường Đại học Võ Trường Toản.

Hội đồng nghiệm thu đề tài được thành lập bao gồm năm thành viên do GS. TS. Hồ Đức Hùng (ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) là Chủ tịch hội đồng, PGS. TS. Đỗ Văn Xê (ĐH Cần Thơ) là Phản biện 1, TS. Tạ Thị Mỹ Linh (ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) là Phản biện 2, TS. Nguyễn Tấn Khuyên (ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) là Ủy viên Hội đồng và ThS. Trần Minh Tuấn (ĐH Võ Trường Toản) là Thư ký Hội đồng.

NCKH-4.2-1

ThS. Trần Minh Tuấn, Thư ký hội đồng đọc quyết định thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu đề tài

Trong lĩnh vực giáo dục, việc đánh giá mức độ hài lòng của người học (sinh viên) đang trở nên hết sức cần thiết. Ý kiến phản hồi từ người học là một kênh thông tin quan trọng và khách quan, góp phần đánh giá chất lượng đào tạo hiện tại, giúp cho nhà trường có những sự điều chỉnh hợp lý theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học và nhu cầu xã hội. Từ yêu cầu thực tế đó, mục tiêu trọng tâm của đề tài nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên các trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm nhận diện và đo lường các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên thuộc các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin về cảm nhận của 659 sinh viên thuộc 06 trường đại học đại diện cho các trường đại học tại Đồng bằng sông Cửu Long về chất lượng dịch vụ do các trường cung cấp.

NCKH-4.2-2

TS. Dương Đăng Khoa, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài

Kết quả nghiên cứu chỉ ra 03 nhân tố chính tác động có ý nghĩa đến mức độ hài lòng của sinh viên là “Hình ảnh nhà trường”, “Giá cả cảm nhận” và “Chất lượng dịch vụ”. Theo đó, khi tăng giá trị những nhân tố này sẽ làm gia tăng mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng của nhà trường. Như vậy, vấn đề cần lưu tâm nhất của các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là mỗi đơn vị cần dành nhiều nỗ lực phấn đấu trong việc xây dựng “hình ảnh nhà trường”, tạo dựng niềm tin bằng những “sản phẩm đào tạo chất lượng” đóng góp cho xã hội thông qua mối quan hệ bền vững với thị trường lao động.

NCKH-4.2-3

GS.TS. Hồ Đức Hùng, Chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận đánh giá của hội đồng nghiệm thu

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc và sự đầu tư công phu của nhóm tác giả thể hiện trong quá trình thực hiện đề tài. Đây là một đề tài có giá trị khoa học và có khả năng ứng dụng trong công tác đào tạo tại các trường đại học trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các trường đại học trong cả nước nói chung. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài này là cung cấp căn cứ khoa học nâng cao mức độ hài lòng đối với các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ góc độ sinh viên, từ đó giúp nhà trường có những giải pháp có tính hệ thống nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và yêu cầu của thị trường lao động nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, sau khi thống nhất ý kiến, hội đồng nghiệm thu nhất trí đánh giá đề tài đạt loại tốt.