Hội thảo về “Nghiên cứu quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển kinh tế - xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long”

      Ngày 13 tháng 3 năm 2015, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và Trường Đại học Tiền Giang tổ chức buổi hội thảo báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển kinh tế - xã hội tại đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) do chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ.
      Đến dự và chủ trì buổi hội thảo có GS Đào Xuân Học - Cố vấn Quốc gia của UNDP; PGS.TS Lương Quang Xô - Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam; PGS.TS Võ Ngọc Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang; TS Ngô Văn Quận - Trường Đại học Thủy lợi cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Chi cục Thủy lợi 13 tỉnh ĐBSCL, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh tham dự.
 

 GS Đào Xuân Học - Cố vấn Quốc gia của UNDP nói về ý nghĩa và mục tiêu của dự án
   
      Tại hội thảo, TS Ngô Văn Quận - Trường Đại học Thủy lợi đã trình bày báo cáo tóm tắt nội dung đề tài nghiên cứu về việc quản lý lũ lụt tổng hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự phát triển nhanh nền kinh tế, xã hội ở đĐBSCL, Việt Nam.
      Hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khu vực ĐBSCL đang chịu những thách thức lớn từ phía biển, từ thượng lưu và nội tại trong đồng bằng đã bộc lộ nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết như: Các đô thị trong khu vực đều bị ngập úng do lũ, triều cường và do mưa lớn; có 2.078 km trên tổng số 13.347 km đê bao đã bị ngập; hệ thống đê bao bờ bao quá nhiều (37.000 km, đê chống lũ triệt để là 20.000 km, đê chống lũ hai vụ là 17.000 km); chưa có giải pháp chống xâm nhập mặn và cấp nước ngọt chủ động vùng ven biển, việc phân ranh mặn ngọt chưa rõ ràng; chưa có giải pháp hữu hiệu và bền vững trong việc phòng chống thiên tai từ biển như bão lớn, siêu bão và sóng thần. Đặc biệt, sự thay đổi và ô nghiễm môi trường là một nguy cơ lớn do những hoạt động xây dựng, xả nước thải đô thị và công nghiệp, xóa bỏ các vùng đất ướt và ô nhiễm nguồn nước từ thuốc bảo vệ thực vật,…
      Nhằm bảo vệ tính mạng người dân, tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững dải ven biển, rất cần có một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh các thiên tai như nước biển dâng, bão lớn, siêu bão và sóng thần, kết hợp tạo được ranh mặn ngọt, xây dựng đường cấp và đường thoát riêng biệt, chủ động trong việc cấp nước mặn và cấp nước ngọt, tiến tới dừng việc khai thác nước ngầm - nguyên nhân gây lún sụt đất. Vấn đề quản lý, hạn chế việc khai thác nước ngầm ở đồng bằng và các đô thị, không chỉ đảm bảo cho phát triển bền vững mà nó đã trở thành vấn đề sống còn của đồng bằng và các đô thị. Việc giải quyết vấn đề cấp nước ngọt chủ động cho các vùng sản xuất ven biển là nhiệm vụ cấp thiết, ở những vùng xa nguồn nước ngọt, thì việc nghiên cứu các giải pháp trữ nước là rất cần thiết.
 

 Đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Chi cục Thủy lợi 13 tỉnh ĐBSCL, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh cùng tham dự Hội thảo.
 
     Để giải quyết nhu cầu bức bách về ngập úng, lũ lụt và những thách thức từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều dự án quy hoạch như: Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch ĐBSCL do các chuyên gia Hà Lan giúp đỡ thực hiện. Các quy hoạch này đều nằm trong khu vực ĐBSCL, có sự tác động lẫn nhau về chế độ thủy văn. Tuy nhiên, sự kết nối giữa các vùng và mối tương tác giữa các giải pháp chưa cao, chưa được đặt trong một bài toán tổng thể với tầm nhìn dài hạn.
      Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi và rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản, thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, việc xoáy lỡ, ảnh hưởng triều cường, xâm nhập mặn, cần xem xét lại việc di dời dân ở các tỉnh ĐBSCL khi có các siêu bão, thiên tai.
       GS. Đào Xuân Học đã đề xuất chuyển đổi từ chiến lược “Sống chung với lũ” sang chiến lược “Chủ động sống chung với lũ” nhằm khai thác được tất cả các lợi ích từ lũ, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài trong việc quản lý lũ và khắc phục được tình trạng lan truyền (domino) sẽ xảy ra, đồng thời sẽ hạn chế được những thiệt hại do lũ lớn, kể cả đối với bài toán cực đoan.
 

 
      Đối với khu vực ĐBSCL, nếu thực hiện theo qui mô nhỏ, để chống ngập úng cho các đô thị, thị trấn và bảo vệ sản xuất trong giai đoạn hiện nay cần phải xây dựng thêm 20.00 km đê bao. Phương án quản lý lũ theo qui mô lớn (chủ động sống chung với lũ), được xem là giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để vấn đề quản lý lũ thượng nguồn, đáp ứng được yêu cầu bức bách trước mắt, đồng thời cũng là công trình chống nước biển dâng, chống biến đổi khí hậu ở thế chủ động, kể cả những trường hợp cực đoan,….
      TS Ngô Văn Quận đã nêu rõ 16 giải pháp trữ nước nhằm giải quyết vấn đề úng ngập do mưa; nước sinh hoạt cho các đô thị; lấy nguồn nước ngọt từ sông để nuôi trồng thủy sản,…Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, cấp nước công nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển khu vực ĐBSCL đã làm cho mực nước ngầm giảm thấp, đây là nguyên nhân chính gây lún sụt ở đồng bằng và các đô thị. Vì vậy, việc thực hiện những giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm ở mọi hình thức, là một trong những nội dung cấp bách ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
 
                                                                                                KIM LOAN - LÊ TÂN