Giao lưu với Nhà giáo - nhà văn Lê Tư nhân kỷ niệm Ngày sách Việt Nam lần II

Chiều ngày 24/4, tại phòng B.14, nhân Kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam 21/4 lần II, ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Tiền Giang tổ chức chương trình “Giao lưu tác giả - Giới thiệu tác phẩm”. Tham dự chương trình có quý Thầy, Cô đại diện các phòng, khoa, trung tâm và hơn 80 sinh viên đến từ Khoa Sư phạm.
 
Tác giả Lê Tư chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cho các bạn sinh viên.
 
Khách mời chương trình “Giao lưu tác giả - Giới thiệu tác phẩm” là Nhà giáo - nhà văn Lê Tư. Thầy Lê Văn Tư, bút danh: Lê Tư, Phong Đình. Thầy Lê Tư là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang, nguyên là cán bộ của Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. Tác phẩm đã xuất bản: Tiếng nhạc trong lòng đá (2008), Bức hoạ lửa hoàng hôn (2015). Ngoài ra, Thầy có nhiều bài viết đăng trên báo Ấp Bắc, Người lao động, tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, ... Những sáng tác của Thầy luôn đi sâu vào mối quan hệ của con người với con người, trong những tầng nấc của phần hồn con người để lý giải và gợi mở nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
 
Đông đảo sinh viên Khoa Sư phạm và đại diện lãnh đạo các đơn vị cùng tham dự chương trình giao lưu với tác giả Lê Tư.
 
 
 
Tại buổi giao lưu, khá nhiều câu hỏi được các bạn sinh viên đặt ra xoay quanh hai tác phẩm “Tiếng nhạc trong lòng đá” và“Bức hoạ lửa hoàng hôn” của Thầy Lê Tư và mong Thầy giải đáp thắc mắc. Và Thầy cũng đã trả lời các bạn như một người anh đi trước trong tình yêu, trong cuộc sống gia đình, một người từng trải đưa ra lời khuyên với những đứa em của mình. Điều này càng làm cho buổi giao lưu trở nên thân mật và gần gũi.
 
Tác giả Lê Tư chụp hình lưu niệm với các thầy cô của Trường ĐH Tiền Giang.
 
Cũng trong buổi giao lưu, Thầy Lê Tư đã chia sẻ suy nghĩ về các tác phẩm của thầy cũng như về văn học nói chung. Ngoài ra, Thầy còn chia sẻ kinh nghiệm viết văn với các bạn sinh viên. Theo Thầy, viết văn không phải là chuyện dễ dàng. Dù là người quen, thường hay viết hay một người mới bắt đầu, thì việc bắt đầu viết đều có không ít khó khăn và đầy trăn trở: “Muốn viết được cần có đam mê, có rung cảm, có vốn sống. Hãy viết những gì cần thiết cho cuộc sống. Để có cảm xúc, người viết cần nhạy bén, đọc nhiều, cảm nhận qua những điều giản đơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, người viết phải yêu tiếng mẹ đẻ”.
 
Kim Phượng - Hữu Hoàng
 
QC: giày dân phượt | túi ngủ đi phượt | balo phượt hcm | leu thay di dong | giá đỡ điện thoại xe máy