Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Đổi mới tư duy đào tạo

Ngày 23/1/2011, Trường Đại học TN&MT Hà Nội chính thức đón nhận Quyết định 1583/2010/QĐ-TTg thành lập trường Đại học TN&MT Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng TN&MT Hà Nội. Đây là một sự kiện lớn, một bước ngoặt trong 55 năm truyền thống đào tạo nguồn nhân lực TN&MT, mở ra bước đi quan trọng trong lộ trình phát triển đội ngũ nhân lực ngành TN&MT, đặc biệt là cán bộ quản lý Nhà nước trên cả 7 lĩnh vực. PGS.TS-NGƯT. Hoàng Ngọc Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
- Việc Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã khẳng định, từ nay nhà trường có đủ điều kiện đào tạo nhân lực TN&MT ở bậc đại học và đó cũng là một trách nhiệm rất lớn lao. Để có một trường đại học, Nhà trường đã chuẩn bị 10 năm, kể từ khi thành lập Trường Cao đẳng Khí tượng Thủy văn Hà Nội. Trong 10 năm đó, trường đã chuyển từ một cơ sở đào tạo gần như đơn ngành thành một trường đa ngành, đa hệ, quy mô ngày càng mở rộng từ 1.000  lên gần 8.500 học sinh sinh viên trong 5 năm qua.  Đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên đông đảo với gần  200 giảng viên, trong đó có gần 80% là Tiến sĩ, Thạc sĩ, có năng lực sư phạm, ngoại ngữ, tâm huyết với nghề nghiệp đủ điều kiện để tham gia giảng dạy đại học. 
Năm 2011, Nhà trường sẽ tuyển 800 chỉ tiêu đại học và 2.100 chỉ tiêu cao đẳng cho 8 ngành đào tạo : Khí tượng, Thủy văn, Trắc địa Bản đồ, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản lý Đất đai, Kỹ thuật địa chất, Kế toán và Tin học, chưa kể gần 600 chỉ tiêu trung học nâng lưu lượng học sinh sinh viên từ 8.500 lên khoảng 10.000 người.  
  
 Hiện trong nước đã có nhiều trường, nhiều bộ môn đào tạo về kỹ thuật tài nguyên và môi trường. Vậy, Đại học TN&MT Hà Nội có những đào tạo đặc trưng gì để vừa đáp ứng yêu cầu xã hội, vừa nhanh chóng khẳng định thương hiệu của mình, thưa PGS. TS ?
Chúng ta bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực TN&MT ở bậc đại học trong khi ở nước ta có rất nhiều trường đã và đang đào tạo, nhiều trường đã có bề dày, có thương hiệu. Đó là một sức ép, một thách thức rất lớn.  Do vậy, Nhà trường phải xác định được hướng đi cho phù hợp.
Thực tế có đến hàng ngàn sinh viên được đào tạo về TN&MT tốt nghiệp hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành cả về số lượng và chất lượng. Ước tính, nguồn cung đào tạo mới chỉ đáp ứng khoảng 40-50%. Hơn nữa, mô hình đào tạo của mỗi trường khác nhau nên chưa đáp ứng về quản lý và chuyên môn chuyên ngành. Như Đại học Nông nghiệp Hà Nội chuyên đào tạo môi trường nông nghiệp, Đại học Xây dựng đào tạo về môi trường đô thị, Đại học Lâm nghiệp lại đào tạo môi trường sinh thái… nên chỉ mới đáp ứng phần nào đó về chuyên môn. Phần lớn các trường đào tạo theo hướng khoa học mà chưa chú trọng tới công nghệ, điều tra và quản lý.
Vấn đề đó đã đặt ra cho chúng ta cách đi mới: Đào tạo theo hướng công nghệ, thực hành và quản lý ngành.
Nhìn một cách khách quan, Đại học TN&MT Hà Nội cũng có những ưu thế riêng. Đó là có  lực lượng đông đảo cán bộ có trình độ cao thuộc Bộ có thể tham gia giảng dạy đại học, có cả hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị trong Bộ được phép khai thác cho đào tạo đại học là những thế mạnh mà không một trường nào có được. Sinh viên của trường sẽ được học với những chuyên gia đầu ngành trong Bộ, có thể tiếp thu ngay các kiến thức mới, các kỹ thuật mới, công nghệ mới, có thể vào thực tập thực hành tại những cơ sở có công nghệ kỹ thuật hiện đại nhất Việt Nam mà sinh viên các trường khác không có được hoặc rất khó có được.
Từ đó chúng tôi xác định mục tiêu đào tạo Kỹ sư công nghệ, điều tra và cử nhân quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực toàn diện, khắc phục sự thiếu hụt về cán bộ cho Bộ TN&MT và nhu cầu cán bộ chuyên ngành TN&MT cho xã hội.
Trường Đại học TN&MT Hà Nội tuy mới thành lập nhưng đã có 10 năm chuẩn bị tích cực về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên, đội ngũ cán bộ quản lý chuẩn bị điều kiện để nâng cấp các tiêu chuẩn đào tạo… nên đã có tích lũy tiềm năng và xác định con đường đi. Mặt khác, trong nhiều năm qua, trường đã khẳng định được thương hiệu đào tạo thực hành về Trắc địa Bản đồ, Quan trắc Khí tượng Thủy văn, Kỹ thuật Môi trường, Quản lý đất đai…. Số sinh viên ra trường tốt nghiệp hầu hết có việc làm, số sinh viên vào trường rất nhiều và năm nào cũng tuyển vượt chỉ tiêu trong khi các trường khác tuyển không đủ. Điều này đã khẳng định thương hiệu tài nguyên và môi trường đã được xã hội thừa nhận.
Bên cạnh đó, trường còn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT ở các xã, huyện, thông qua Trung tâm Đào tạo cán bộ công chức. Quy mô đào tạo của Trung tâm ngày càng phát triển, năm 2005 mở 3 lớp với 145 lượt người tham gia thì đến năm 2010 đã mở 19 lớp với 1986 lượt người tham gia. Qua các khóa đào tạo ngắn hạn đó, cán bộ công chức được tiếp cận với kiến thức, kỹ năng mới một cách có hệ thống, bài bản góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức của Bộ từ Trung ương tới địa phương, từ đó tạo được một đội ngũ CBCC có tầm nhìn, có khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã học vào công tác tham mưu hoạch định chính sách cho ngành. Đây có thể coi là con đường nhanh chóng và hiệu quả trong việc thay đổi tư duy, phương pháp và nội dung quản lý, cách tiếp cận mới đối với lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý kinh tế ngành.
 
 Như vậy mục tiêu đào tạo của trường khá mới so với những trường đào tạo về TN&MT hiện nay. Vậy thưa PGS, những thách thức cần vượt qua đã được lãnh đạo nhà trường xác định ra sao?
 - Xác định cho mình một hướng đi riêng đồng nghĩa với việc nhà trường tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Sự chuẩn bị cho việc thành lập trường đại học mới chỉ là bước đầu, việc triển khai đào tạo đại học vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bởi đội ngũ giảng viên đang ở mức khiêm tốn, cơ sở vật chất còn thiếu nên Nhà trường rất cần sự hỗ trợ về đội ngũ cán bộ có trình độ cao và hệ thống cơ sở thí nghiệm, thực hành của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT cũng như sự hợp tác của các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu ngoài Bộ. Nhà trường cũng cần nâng cao năng lực quản lý trường đại học để đội ngũ giảng viên nhanh chóng tiếp cận ngay với việc giảng dạy ở bậc đại học, sớm thay đổi thói quen quản lý, giảng dạy ở trường cao đẳng trước đây.
Khó khăn đó buộc chúng ta phải phấn đấu rất nhiều, đổi mới toàn diện và trước hết là đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý, đổi mới đội ngũ giáo viên về trình độ chuyên môn và năng lực sự phạm, xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình,... có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng và đưa các hoạt động của nhà trường vào nề nếp.
 
 Ban Giám hiệu nhà trường đã đề ra lộ trình phát triển từng bước vững chắc cho trường đại học đầu tiên về TN&MT cả nước ra sao, thưa PGS ?
- Với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ, chung tay chung sức của các cơ quan trong Bộ và quyết tâm, nỗ lực của toàn trường, chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển 800 sinh viên hệ đại học từ năm 2011 này với 8 ngành đào tạo như đã trình bày ở trên. Tổng số sinh viên hiện nay (Cao đẳng và Trung cấp) là 8.500 người, tháng 9/2011 sẽ tăng lên khoảng 10.000 người (đã trừ số tốt nghiệp tháng 9 năm 2011). Quy mô đào tạo sẽ tăng dần hàng năm và đạt khoảng 15.000 sinh viên chính quy cho 12 ngành vào năm 2015 và con số này nâng lên 18.000-20.000 cho 20 ngành vào năm 2020.
Trong giai đoạn 2010-2011, nhà trường kiện toàn tổ chức bộ máy với 23 phòng, khoa và trung tâm. Đến giai đoạn 2013-2015 sẽ thành lập thêm 3 khoa là Quản lý Tài nguyên nước, Biến đổi Khí hậu và Phát triển bền vững, Quản lý Tài nguyên và Môi trường Biển; thành lập Viện Kỹ thuật TN&MT, các trung tâm chuyên ngành về TN&MT  và  một số bộ môn trực thuộc.
Đặc biệt, đối với đội ngũ giảng viên, chúng tôi xác định xây dựng theo 3 hướng để nhanh chóng có được nguồn lực dồi dào. Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh và cử giảng viên của trường đi đào tạo tiến sĩ; thứ hai, tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, giỏi đúng ngành về giảng dạy và tiếp tục đào tạo; thứ ba, thu hút và mời giảng viên thỉnh giảng có trình độ tiến sĩ trở lên.
Năm 2010 sẽ khởi công Dự án xây dựng trụ sở mới tại Cầu Diễn với kinh phí 375 tỷ đồng. Khi hoàn thành, Nhà trường có thể đào tạo từ 12-15.000 sinh viên các hệ. Nhà trường đang tích cực chọn địa điểm để mở cơ sở 2 tại một trong các tỉnh lân cận Hà Nội và lâu dài (2020-2025) phải tính tới việc mở thêm cơ sở tại các tỉnh miền Trung.
 
 Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS !