Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ 15 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Chủ nhật - 21/02/2016 20:20
Trường Đại học Công nghệ đã trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã xác định sứ mạng tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước.
Phần I: Khoa Công nghệ (1999-2004): bước chạy đà quan trọng tạo thế và lực cho sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ
Trong những năm đầu sau khi thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), việc hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực là vấn đề luôn trăn trở và không đơn giản đối với Lãnh đạo ĐHQGHN. Đã có những ý kiến đưa ra giải pháp lựa chọn, sáp nhập thêm một số trường đại học khác vào ĐHQGHN. Tuy nhiên, thực  tế  giải pháp này là không khả thi và kém hiệu quả. “Trong hoàn cảnh đó, một ý tưởng táo bạo và đầy sáng tạo đã được đưa ra và được chính thức khẳng định tại Đại hội Đảng bộ lần thứ II của ĐHQGHN, đó là hoàn chỉnh và phát triển cơ cấu đa lĩnh vực theo hướng chủ động xây dựng một số trường đại học thành viên mới và khởi đầu bằng việc thành lập các khoa trực thuộc. Mô hình khoa trực thuộc là sự vận dụng sáng tạo quyền chủ động cao của ĐHQGHN trong việc tổ chức những đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, khắc phục được những khó khăn, phức tạp ghê gớm về thủ tục và thời gian khi thực hiện thủ tục thành lập trường đại học mới thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Khoa trực thuộc là cơ sở đào tạo của ĐHQGHN có tư cách pháp nhân độc lập tương đương các trường đại học nhưng thẩm quyền thành lập được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng ĐHQGHN. Mô hình khoa trực thuộc là giai đoạn trung gian nhằm tiếp tục chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ nâng cấp lên thành trường đại học thành viên”.
Khoa Công nghệ là khoa đầu tiên được thành lập theo mô hình “Khoa trực thuộc” ở ĐHQGHN theo quyết định số 1348/TCCB ngày 18/10/1999 của Giám đốc ĐHQGHN trên cơ sở khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) và khoa Công nghệ Điện tử -Viễn thông (ĐTVT) thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học có uy tín  trong nước và quốc tế được mời làm Chủ nhiệm Khoa.
 
Cơ chế mới
Là đơn vị được thành lập theo mô hình mới lần đầu tiên có ở Việt Nam, Khoa Công nghệ được sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa từ Lãnh đạo ĐHQGHN. Khoa có quy mô nhỏ, có tư cách pháp nhân độc lập và có quyền chủ động gần như quyền chủ động của  một trường đại học thành viên, do vậy, việc quản lý, điều hành sát với chuyên môn hơn, yếu tố hành chính được giảm nhẹ, vận hành linh hoạt, tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong đơn vị được thực hiện triệt để. Hoạt động hành chính được quản lý tập trung với cơ cấu gồm Ban Chủ nhiệm khoa, 2 Phòng chức năng, các Bộ môn và Trung tâm trực thuộc. Do khoa được tổ chức từ hai ngành nên để công tác tư vấn khoa học và đào tạo có chất lượng, đảm bảo tính đặc thù của mỗi ngành, Khoa đã thành lập hai Hội đồng Khoa học và Đào tạo ngành tương ứng; do đó, khi triển khai công việc chuyên môn, các Hội đồng ngành đã phát huy được hiệu quả. Nhờ vậy mà, sau khi thành lập Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) và tái thành lập hai Khoa CNTT và Khoa ĐTVT công việc của khoa đã có sẵn bộ máy tư vấn về đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) để triển khai các hoạt động một cách nền nếp, thuận lợi từ đầu.
 
Chuẩn bị nguồn nhân lực, khâu then chốt
Ngay khi được thành lập, Lãnh đạo Khoa đã quan tâm chuẩn bị đội ngũ giảng viên trình độ cao và ba giải pháp đã được thực hiện đồng bộ:
- Chọn các cán bộ xuất sắc của Khoa đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài (21 người) đồng thời triển khai chính sách thực tập sinh khoa học, theo đó, Khoa sử dụng một phần kinh phí các đề tài, một phần kinh phí của Khoa để tuyển tất cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở lại Khoa tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc học cao hơn, chính sách này được thực hiện thông qua hợp đồng thực tập sinh. Kể từ khi bắt đầu thực hiện chính sách này đến thời điểm thành lập Trường, Khoa đã tuyển chọn và ký hợp đồng thực tập sinh với 58 người. Trong số các thực tập sinh này đã có 10 người có học vị tiến sĩ, trong số đó có 01 người là Phó giáo sư và hầu hết đang là giảng viên cơ hữu của Trường ĐHCN.
- Thu hút những cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam đi làm Nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ ở nước ngoài về nước. Khoa đã thí điểm xếp lương bậc 3 đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ ngay khi tuyển dụng. Chính sách này đi trước một bước so với quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương. Trong giai đoạn này, khoa đã tuyển mới được 7 tiến sĩ. 
- Thu hút, mời các Giáo sư Việt kiều tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa. Hưởng ứng lời mời này, GS.TSKH Nguyễn Đình Thông (Việt kiều ở Úc), GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ (Việt kiều ởCanada),… đã thường xuyên gắn bó, đồng hành cùng với sự phát triển của Khoa.
 
Khẳng định chất lượng, thương hiệu đào tạo
Công tác xây dựng và phát triển đào tạo được Lãnh đạo Khoa xác định đóng vai trò chủ đạo trong việc xác định sứ mạng trước mắt và lâu dài của Khoa Công nghệ và Trường ĐHCN sau này. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa đã xác lập định hướng phát triển: một là phát triển các ngành đào tạo công nghệ cao dựa trên khoa học cơ bản liên quan trực tiếp đến tích hợp và ứng dụng CNTT, lấy ngành CNTT làm trung tâm; hai là giữ quy mô đào tạo đại học hợp lý, tăng quy mô đào tạo sau đại học, phát triển đào tạo nguồn nhân lực tài năng và liên kết đào tạo quốc tế; ba là tập trung chủ yếu là đào tạo chính quy.  Khoa đã tiến hành xây dựng “Kế hoạch 10 năm xây dựng và phát triển hoạt động đào tạo (2000-2010)” gồm 18 quan điểm và 48 công việc chứa đựng một số định hướng và giải pháp chính về công tác đào tạo, mặc dù mới dừng lại ở bản dự thảo song nhiều phần việc đã được triển khai hiệu quả trong giai đoạn Khoa Công nghệ và tiếp tục cho tới khi thành lập Trường ĐHCN. Các yếu tố cốt lõi được Lãnh đạo Khoa thường xuyên quan tâm, thực hiện đồng bộ đảm bảo chất lượng đào tạo, đó là: cơ chế, đội ngũ cán bộ, sinh viên, môi trường làm việc, dạy và học.
Khoa Công nghệ là khoa mới, mô hình mới, để xã hội biết đến và chấp nhận thì phải thực hiện tốt công tác quảng bá thông tin. Xác định nguồn tuyển sinh là quan trọng, Khoa đã gửi thông báo tờ rơi giới thiệu đến tận các trường chuyên, lớp chọn. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Chủ nhiệm Khoa đã trực tiếp đến một số trường chuyên, lớp chọn để nói chuyện với học sinh. Cách làm này đã giúp cho điểm chuẩn tuyển sinh các ngành của Khoa luôn ở mức cao, đặc biệt những năm đó thường xuyên có khoảng 30 học sinh được tuyển thẳng, chủ yếu là đạt giải Quốc gia, Quốc tế về Tin học. Từ năm 2001, Khoa bắt đầu triển khai Dự án đào tạo chất lượng cao song hành với hệ đào tạo chuẩn. Sinh viên tham gia chương trình này được tuyển chọn theo điểm thi đầu vào, quá trình đào tạo có sàng lọc và tuyển chọn bổ sung, sinh viên được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Khoa về điều kiện học tập, học bổng, …
Khoa đã đi đầu trong việc thực hiện điều tra xã hội học, lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về tất cả các mặt hoạt động đào tạo của Khoa (việc làm này rất mới ở Việt Nam nói chung và ở ĐHQGHN nói riêng, lúc bấy giờ), thực hiện tốt công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, đặc biệt là Khoa đã thí điểm xây dựng website môn học là kênh thông tin trực tuyến trao đổi, tương tác hai chiều giữa thầy và trò, biên soạn giáo trình điện tử làm tiền đề cho các hoạt động, hiện nay đã trở thành hoạt động thường xuyên của Nhà trường. Khoa đã nghiên cứu và xây dựng Đề án trình ĐHQGHN cho thí điểm triển khai đào tạo theo tín chỉ đối với bậc đào tạo sau đại học, đón đầu thực hiện chủ trương đào tạo theo tín chỉ trong toàn ĐHQGHN sau này. Khoa đã chủ động xây dựng phòng học liệu, lập phòng máy truy cập Internet miễn phí cho sinh viên chất lượng cao; Quan tâm thúc đẩy các hoạt động NCKH sinh viên, nhiều công trình đạt giải thưởng cấp Bộ, được đánh giá cao. Sinh viên của Khoa đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Olympic Toán học, Tin học. Khoa có đóng góp chủ đạo về chuyên môn cho các kỳ Olympic Tin học trẻ toàn quốc và Olympic Tin học sinh viên Việt Nam. Hằng năm, Khoa đều tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác đào tạo.
Với đặc thù là một đơn vị đào tạo các ngành công nghệ, công tác đào tạo thực hành và đảm bảo điều kiện thực hành, thực tập của sinh viên được coi trọng. Để thực hiện điều này, Khoa đã chủ động xây dựng trình ĐHQGHN phê duyệt và cho triển khai một số dự án đầu tư trang thiết bị thực hành, thực tập. Hệ thống các phòng thực hành máy tính được đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng tốt. Trang thiết bị phục vụ thực hành cho đào tạo sau đại học và các chuyên ngành bậc đại học được tăng cường. Đối với nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao, Khoa cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều nhiệm vụ tăng cường yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo như: xây dựng hệ thống cung cấp thông tin tư liệu và phòng tra cứu thông tin tư liệu; xây dựng phòng  thực hành máy tính chất lượng cao; xây dựng phần mềm và quy trình đánh giá chất lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân CNTT chất lượng cao, …
Từ năm 2001 trở đi, Khoa không tuyển sinh bậc cao đẳng nữa. Năm 2003, Khoa mở mới và tổ chức đào tạo chương trình cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã vận động 7 sinh viên ngành Công nghệ ĐTVT chuyển sang học khóa đầu tiên của ngành Vật lý kỹ thuật. Khoa cũng đã thí điểm chương trình CNTT bằng tiếng Anh theo chương trình tiên tiến, nhiều sinh viên học chương trình này được chuyển tiếp NCS tiến sĩ ở nước ngoài. Khoa đã mở 02 lớp cao học ngành CNTT đào tạo cán bộ chủ chốt về CNTT cho Tây Nguyên và Khu Việt Bắc.
So với khi mới thành lập, sau 5 năm quy mô đào tạo bậc đại học của Khoa tăng không quá 25%, quy mô đào tạo sau đại học tăng khá nhanh, khoảng 2 lần. Môi trường giáo dục, đào tạo của trường trong sạch, lành mạnh, không có tiêu cực. Chất lượng đào tạo được khẳng định, từng bước khẳng định thương hiệu là cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng.
Với quan điểm phát triển trên nền tảng CNTT, Lãnh đạo Khoa đã sớm đặt vấn đề tin học hóa các hoạt động, đã xây dựng đề án tin học hóa một các toàn diện phục vụ quản lý và chủ yếu hướng tới các dịch vụ dạy và học, nhằm đưa ra giải pháp thực sự nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước xây dựng mô hình Đại học Số hóa. Khoa đã tiên phong triển khai phần mềm điều hành công việc qua mạng từ 7/2003; triển khai hệ thống Terminal tại khu giảng đường giúp sinh viên truy xuất, tra cứu các thông tin; triển khai website môn học là kênh thông tin trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học.
 
Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng
Được ĐHQGHN quan tâm, Khoa đã chủ động xây dựng và được phê duyệt triển khai một số dự án đầu tư với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng như “Dự án các phòng thí nghiệm điện tử và kỹ thuật máy tính”, giai đoạn 2001-2004; “Dự án tăng cường năng lực trang thiết bị nghiên cứu khoa học cho Trung tâm Nghiên cứu ĐTVT” giai đoạn 2003-2005, “Dự án tăng cường trang thiết bị nghiên cứu cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ phần mềm”. Việc triển khai các dự án này đã giúp Khoa bổ sung, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu và đào tạo, thúc đẩy phát triển một số hướng nghiên cứu mới có triển vọng phát triển.
Cùng với việc đầu tư các phòng thí nghiệm, Lãnh đạo Khoa đã chủ trương khuyến khích các hoạt động NCKH từ việc thúc đẩy các đơn vị tăng cường tổ chức các seminar khoa học, các trao đổi học thuật đến việc hỗ trợ đăng ký triển khai các nhiệm vụ khoa học, mở rộng hoạt động hợp tác trao đổi nghiên cứu với đối tác nước ngoài. Từ năm 2001 đến 2004, Khoa đã có 60 đề tài NCKH với tổng kinh phí 3,72 tỷ đổng. Kinh phí NCKH tính theo số cán bộ tham gia NCKH đạt trung bình 15 triệu đồng/người. Khoa đã tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất năm 2002 với 42 báo cáo được trình bầy (ngành CNTT: 24, ĐTVT: 18), Hội thảo lần thứ hai năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Khoa. Tuyển tập báo cáo đã được đăng trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN với tổng số 29 bài trong đó ngành CNTT: 7, ĐTVT: 15 và VLKT: 7. Hoạt động NCKH sinh viên được tổ chức nền nếp với số lượng sinh viên tham gia, số lượng công trình tham dự báo cáo tăng hằng năm: năm 2001 chỉ có 18 báo cáo/25 sinh viên thì năm 2004 có 42 báo cáo/74 sinh viên. Hằng năm đều có sinh viên đạt giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ. Khoa có 2 giải thưởng KHCN là Giải nhất cuộc thi sản phẩm CNTT năm 2001 (của PTN Công nghệ Phần mềm) và Giải nhì VIFOTEC năm 2002 (của ThS. Đào Kiến Quốc và các cống ự). Hoạt động NCKH bước đầu đã hình thành, gắn với hoạt động đào tạo và bổ trợ cho hoạt động đào tạo chất lượng cao của Khoa. Định hướng phát triển Khoa thành Trường ĐHCN theo định hướng đại học nghiên cứu cũng được xác lập rất sớm, ngay từ khi thành lập Khoa.
 
Mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế
Việc thiết lập các quan hệ hợp tác trong và ngoài nước góp phần nâng cao vị thể, củng cố và bổ sung nguồn lực cho khoa là một trong những nhiệm vụ quan trọng giai đoạn này. Khoa đã nhanh chóng thiết lập mối liên hệ chặt chẽ và thường xuyên với nhiều trường Đại học, Trung tâm, Viện nghiên cứu, PTN thuộc nhiều quốc gia và Châu lục khác nhau: Trường Đại học Paris-Sud tại Orsay, ĐH Nantes, Trường Đại học Khoa học  Ứng dụng và Công nghệ Lannion, ĐH Polytechnique (Pháp); Trường Đại học Tổng hợp Pusan, Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, ĐH Changwon, Đại học Seoul (Hàn Quốc); Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Cicinaiti (Hoa kỳ); Đại học Khoa học ứng dụng Stralsund, Đại học Munchen, Đại học Bochum, ĐH Nam Úc (Úc), Viện Khoa học Vật liệu (Pháp), PTN Leti-Grenoble (Pháp), một số trường đại học thuộc Trung Quốc, Ucraina, Nga. Từ năm học 2002-2003, Khoa bắt đầu tổ chức các chương trình đào tạo liên kết với Trường Đại học Paris-Sud tại Orsay, Trường Đại học Khoa học Ứng dụng và Công nghệ tại Lannion (Pháp) đào tạo Kỹ sư Điện tử - Viễn thông – Quang tử.
Khoa đã cùng Trường Đại học Pusan (Hàn Quốc) tổ chức tốt đẹp Hội nghị Quốc tế về CNTT, có trên 100 đại biểu tham dự, trong đó có trên 80 khách quốc tế. Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Viện Quốc tế về Công nghệ Phần mềm, Trường Đại học Liên hợp Quốc, Khoa đã mở một lớp chuyên đề với nội dung “Trường hè CNTT- một số chủ đề chuyên sâu về phần mềm máy tính và ứng dụng” trong gần 1 tháng (5-31/8/2002) tại Hà Nội, có sự tham gia của 60 cán bộ CNTT trong cả nước cùng 12 khách quốc tế từ Lào và Campuchia.
Nhằm mục đích đẩy mạnh việc đào tạo và nghiên cứu – triển khai trong lĩnh vực công nghệ Micrô-Nanô ở Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu và triển khai công nghệ Micrô-Nanô, đặc biệt là xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đại học và cao học của Khoa về Công nghệ Micrô-Nanô, Khoa đã cùng với Viện Vật lý, Viện Khoa học Vật liệu và Minatec (Pháp) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hợp tác đào tạo và nghiên cứu triển khai công nghệ Micrô-Nanô; Thực hiện chương trình đào tạo cán bộ về công nghệ micrô-nanô, Khoa đã phối hợp với Viện Vật lý và Viện Khoa học vật liệu tổ chức lớp học về “Micro-Nanotechnologies-The perspectives for Vietnam” trong các ngày 20-23/1/2003 tại ĐHQGHN do bốn Nhà khoa học Pháp đọc bài giảng. Lớp học đã thu hút sự tham gia của gần 200 học viên từ 12 đơn vị thuộc Viện Khoa học Vật liệu (60), Khoa Công nghệ (52), Viện Vật lý (27), Trung tâm Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (22), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (10), Viện CNTT (5), Trung tâm Sản xuất phần mềm Thừa Thiên Huế (4), Học viện Bưu chính Viễn thông (4), Viện Hóa học (6) và Trung tâm Nacentech (15). Khoa đã phối hợp với Trường Đại học tổng hợp Pusan (Hàn Quốc) tổ chức thành công Hội thảo lần thứ nhất về máy tính, Công nghệ Thông tin và Viễn thông với chủ đề “Hiện trạng và các xu hướng mới trong CNTT ở Việt Nam và Hàn Quốc”. Tham gia Hội thảo có 12 đơn vị với hơn 80 đại biểu trong và ngoài nước gồm 12 giáo sư của Viện nghiên cứu Máy tính, Thông tin và Viễn thông thuộc Trường Đại học tổng hợp Pusan và 51 cán bộ Khoa Công nghệ cùng hơn 25 đại biểu thuộc các đơn vị hợp tác với khoa. Trong dịp này GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và GS. Lee Jang Myung đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Khoa Công nghệ và Viện nghiên cứu Máy tính, Thông tin và Viễn thông về hợp tác nghiên cứu và trao đổi sinh viên và các vấn đề chuyên môn khác. Khoa Công nghệ cùng với Viện Khoa học Vật liệu và Trường Đại học Nantes (Pháp) ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện đẩy mạnh phát triển các chương trình giảng dạy và nghiên cứu trên cơ sở trao đổi sinh viên thực tập, trao đổi các nghiên cứu chung, tổ chức Hội nghị, hội thảo khoa học, seminar chung.Khoa đã cử một số cán bộ đi công tác và làm việc tại Trường Đại học Parma, Italy (2 cán bộ), Trường Đại học Pohang, Hàn Quốc (2 cán bộ). Đồng thời Khoa cũng gửi một số sinh viên đi học tập tại Trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc (4 sinh viên), Trường Đại học Tasmania, Úc (1 sinh viên). Cử đoàn học viên cao học đi thực tập đào tạo tại PTN Leti, Grenoble, Pháp (4 người); Đoàn sinh viên năm thứ 3 Khoa Công nghệ đi học tiếp tại Lannion và Orsay theo chương trình hợp tác trao đổi ký tháng 2/2002 (8 người).
Từ năm học 2002-2003, Khoa đã phối hợp với Tổ chức Recontres du Vietnam (Pháp) trao học bổng ODDON VALLET cho các sinh viên xuất sắc; sinh viên đạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; sinh viên năm thứ nhất trúng tuyển kỳ thi đại học loại cao nhất. Mỗi học bổng trị giá 3 triệu đồng. Cùng với các học bổng tài trợ khác, đây là nguồn động viên khích lệ rất tốt cho sinh viên trong Khoa hăng say học tập.
Đánh giá chung: sau 5 năm thành lập Khoa Công nghệ, cùng với sự cố gắng của toàn thể cán bộ, viên chức trong Khoa, đặc biệt là vai trò cá nhân của GS. VS Nguyễn Văn Hiệu và cơ chế mới của Khoa trực thuộc ĐHQGHN, Khoa đã có những chuẩn bị bài bản, toàn diện trên các mặt công tác nhanh chóng khẳng định vị thế và thương hiệu trong đào tạo và NCKH so với các cơ sở đào tạo hàng đầu trong cả nước. Sự chuẩn bị chu đáo này đã tạo thế và lực cho sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ, các quan điểm phát triển được nêu ra trong giai đoạn này là tiền đề và được tiếp nối phát triển lên tầm cao mới trong các giai đoạn tiếp theo.
 
Phần II: Mười năm phát triển-thời gian ngắn, bước tiến dài
 Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHCN trên cơ sở Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN với hai nhiệm vụ chính: “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là Hiệu trưởng đầu tiên, sáng lập Trường ĐHCN. “Bồi dưỡng nhân tài” là đặc trưng điển hình nhất trong sứ mạng và nhiệm vụ của Trường ĐHCN.
 
I. Nhiệm kỳ thứ nhất (2004-2009): xây dựng và phát triển
1. Năm đầu sau khi thành lập
Trong năm đầu sau khi thành lập, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về đào tạo, nghiên cứu khoa học được chuyển tiếp từ Khoa Công nghệ sang Trường ĐHCN, đảm bảo không bị gián đoạn, nhiệm vụ quan trọng được Nhà trường tập trung thực hiện là công tác bàn giao, sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự theo cơ cấu một trường đại học và xác lập định hướng, chiến lược phát triển của Nhà trường.
a) Định hướng phát triển: trên cơ sở các lĩnh vực hoạt động đã được đề ra trong Đề án thành lập và nhiệm vụ Chính phủ giao, phương hướng xây dựng và phát triển Trường ĐHCN đã được Đảng ủy và BGH thảo luận kỹ lưỡng, được nhất trí cao ngay tại phiên họp đầu tiên ngày 3/2/2005 của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐHCN, cụ thể là: Trường ĐHCN tập trung các hoạt động đào tạo và nghiên cứu theo hướng các ngành công nghệ mũi nhọn thuộc bốn lĩnh vực là Công nghệ thông tin và truyền thông; Công nghệ điện tử và tự động hóa; Khoa học và công nghệ vật liệu nanô; Công nghệ sinh học tiên tiến. Hoạt động đào tạo tập trung vào các loại hình đào tạo chất lượng cao. Hợp tác liên kết giữa trường đại học và viện nghiên cứu được coi là nét đặc trưng trong phát triển Nhà trường.
b) Ổn định tổ chức: Cơ cấu tổ chức các đơn vị đào tạo và nghiên cứu được sắp xếp, hoàn thiện phù hợp với bốn định hướng khoa học-công nghệ nêu trên gồm 4 khoa (CNTT, ĐTVT, Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nanô (VLKT&CNNN), Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (CHKT&TĐH)) và 4 trung tâm trực thuộc (Trung tâm Nghiên cứu ĐTVT, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm, Trung tâm Sinh học phân tử và Trung tâm Máy tính). Trong giai đoạn này, Nhà trường cũng đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và hoàn thiện định hướng và lộ trình phát triển các Bộ môn trong toàn trường. Việc huy động và chuẩn bị nhân sự tham gia lãnh đạo các đơn vị đã được thực hiện chu đáo.
c) Ổn định vị trí làm việc của các đơn vị: song song với quá trình sắp xếp, hoàn thiện cơ cấu tổ chức một trường đại học, Nhà trường phải quan tâm giải quyết bài toán khó khăn về mặt bằng làm việc, mặt bằng phục vụ dạy và học. Khoa CNTT vẫn được bố trí ở vị trí cũ. Nhà G6 và một phần Nhà G2 được bố trí làm phòng làm việc của Khoa VLKT&CNNN và khoa ĐTVT, tầng 1 và 2 Nhà E3 được cải tạo, sửa chữa thành khu làm việc của Hiệu bộ. Nhà trường đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, mở rộng thêm đầu hồi phía tây nhà E3 thành phòng làm việc, xây dựng mới tòa nhà G2B,  đồng thời thuê thêm tòa nhà 252 Hoàng Quốc Việt với diện tích sử dụng 1120 m2 để làm giảng đường. Khoa CHKT&TĐH được bố trí văn phòng làm việc tại Viện Cơ học và 252 Hoàng Quốc Việt.
d) Thu hút người tài: Ngay từ những bước đi đầu tiên, Đảng ủy và BGH nhà trường đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển đội ngũ của Trường, đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Dự án tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, thực hiện chính sách thu hút giảng viên kiêm nhiệm, chính sách mời các nhà khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm (bao gồm cả Việt Kiều) làm giảng viên kiêm nhiệm, tiếp tục thực hiện chính sách đã có từ giai đoạn Khoa Công nghệ là giữ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở lại trường làm thực tập sinh khoa học để chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Nhà trường đã chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động quảng bá chủ trương thu hút cán bộ giỏi về trường, điển hình là tháng 6/2005, Trường đã phối hợp với Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ chức Hội thảo các Nhà khoa học trẻ Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Nối vòng tay lớn” với hàng chục nhà khoa học quốc tế, lãnh đạo của đa số các viện nghiên cứu hàng đầu trong nước và hàng trăm nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Úc cùng khắp nơi trong nước tham dự. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã ví cuộc gặp gỡ này như “Đàn cầu gió Đông của Trường ĐHCN, nhằm giới thiệu sứ mệnh và tầm nhìn của Nhà trường để thu hút các nhà khoa học trẻ tuổi năng động về tụ hội để cùng xây dựng, chung sức thực hiện sứ mệnh của nhà trường. Đây được coi là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công của Nhà trường.
d) Đào tạo chất lượng cao: Nhà trường đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đặc biệt là việc chuẩn bị cho khóa đầu tiên chương trình đào tạo chất lượng cao tốt nghiệp (khóa K46) như mời giáo sư nước ngoài dạy các học phần nâng cao, tổ chức dạy và thi TOEFL theo chuẩn INSTITUTIONAL miễn kinh phí cho sinh viên, tổ chức tập huấn và thi miễn phí FE (Fundamental information technology Engineers) và SE (Software design and development Engineers) theo chuẩn của Nhật Bản cho sinh viên, khuyến khích sinh viên viết khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Trường cũng phối hợp với Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HL KH&CN VN) tổ chức lớp cao học CNTT chất lượng cao tại Viện. Chỉ đạo xây dựng mới chương trình đào tạo đại học ngành Cơ học kỹ thuật, được ĐHQGHN phê duyệt và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2005.
e) Chuyển dịch hoạt động nghiên cứu: Cùng với định hướng hoạt động nêu trên, nhằm từng bước phát triển Trường ĐHCN theo mô hình đại học nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao, Đảng ủy và BGH chủ trương tiến hành các giải pháp kiên quyết nhằm chuyển đổi từng bước từ nghiên cứu cơ bản thuần túy sang nghiên cứu công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng khoa học cơ bản mạnh, ưu tiên và tập trung kinh phí cho các đề tài nghiên cứu định hướng liên ngành và quan tâm đến các nhóm cán bộ khoa học trẻ.
f) Hợp tác trường – viện – doanh nghiệp: Trong giai đoạn này, chủ trương liên kết hợp tác giữa trường đại học – viên nghiên cứu và doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Nhà trường đã ký kết và đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác với các Viện nghiên cứu thuộc Viện HL KH&CN VN gồm Viện CNTT, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Vật lý và Điện tử, Viện Toán học, Viện Hóa học; ký kết hợp tác phối hợp với Viện Cơ học xây dựng Khoa CHKT&TĐH, phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học xây dựng Trung tâm Sinh học phân tử. Các Viện nghiên cứu đã cử các cán bộ khoa học trình độ cao, tham gia giảng dạy và làm việc kiêm nhiệm tại các đơn vị mới thành lập của trường theo chế độ hưởng 1/3 lương tại trường. Nhà trường phát triển một số hợp tác mới với khối doanh nghiệp, cụ thể là ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam, VLG, Global CyberSoft, Sở Bưu chính – Viễn thông Hà Nội,…Một số đề tài phối hợp trong Điện tử y tế, An ninh dữ liệu đã được triển khai đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động hợp tác liên kết giữa trường đại học và cơ sở công nghiệp. Về hợp tác quốc tế, Trường cũng đã mở rộng thêm hợp tác một số đối tác mới ở Châu Âu, Châu Á.
 
2. Giai đoạn 2005-2009
Ngày 21/7/2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Hữu Đức giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHCN tiếp tục nhiệm kỳ 2004-2009. Đại hội Đảng bộ Trường ĐHCN lần thứ nhất diễn ra ngày 12-13/9/2005 xác định phương hướng chung là“phát huy mọi nguồn lực tạo ra một số bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để xây dựng nền tảng vững chắc cho mô hình đại học nghiên cứu trong Trường ĐHCN”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, tiếp nối các ý tưởng, tâm huyết của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, giai đoạn 2005-2009, GS. TS Nguyễn Hữu Đức đã cùng tập thể Đảng ủy, BGH Nhà trường nhanh chóng đưa hoạt động của Nhà trường vào nền nếp, tạo thế và lực trên các mặt công tác.
a) Chiến lược phát triển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020: trên cơ sở đề án thành lập trường và định hướng phát triển được đã được đề ra, Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng và ban hành “Kế hoạch chiến lược phát triển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, tiếp tục khẳng định các hướng nghiên cứu của trường thể hiện qua 4 chữ cái tiếng Anh là GRIN, trong đó G – Genomics (Công nghệ gien), R – Robotics (Tự động hóa), I – Information(Thông tin và Truyền thông) và N – Nanotechnology (Công nghệ nanô). Mục tiêu chung đến năm 2010 là “Xây dựng Trường ĐHCN theo định hướng đại học nghiên cứu có vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trong đó các ngành đào tạo bậc đại học CNTT, Công nghệ  Điện tử - Viễn thông, Công nghệ Cơ Điện tử và các chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật liệu và Linh kiện Nano đạt trình độ khu vực và quốc tế". Nhà trường đặt ra một số chỉ tiêu phát triển quan trọng cho giai đoạn đến năm 2010 là: (1) Về đội ngũ cán bộ: bổ sung thêm 50 tiến sĩ; (2) Về đào tạo: hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình trong đó phấn đấu đến năm 2010 xuất bản 50 giáo trình; (3) Về kết quả hoạt động KHCN: có 50 công trình công bố trên tạp chí quốc tế; (4) Về tài chính: huy động được khoảng 130 tỷ để phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. 
b) Phát triển môi trường làm việc số hóa
Nhà trường tiếp nhận các trang thiết bị được đầu tư từ tiểu dự án Giáo dục Đại học C1.II đã được khởi động từ giai đoạn Khoa Công nghệ, thiết lập Trung tâm máy tính trở thành trung tâm mạng hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế, đưa vào vận hành hệ thống Video Conferencing phục vụ Hội nghị, Hội thảo trực tuyến và hoạt động hợp tác giảng dạy nghiên cứu giữa trường ĐHCN với các đối tác nước ngoài, hệ thống LMS (Learning Mannagement System) và phần mềm LMS Blackboard phục vụ E-Learning. Năm 2008, hạ tầng kỹ thuật mạng và các dịch vụ mạng của trường được nâng cấp (cải tạo hệ thống đường dẫn và thiết bị ghép nối, hệ thống mạng; cung cấp tài khoản, dịch vụ email và website cá nhân cho tất cả cán bộ, sinh viên trong toàn trường). Hệ thống website hỗ trợ môn học tiếp tục được mở rộng với định hướng mỗi bộ môn xây dựng được ít nhất hai môn học trên website. Chế độ thông tin đối với cán bộ và sinh viên trong trường được thực hiện thông qua hệ thống điều hành tác nghiệp và trang tin tức sinh viên đảm bảo cập nhật nhanh chóng, kịp thời. Hoạt động quản lý, điều hành ở nhiều khâu, nhiều bộ phận đã bước đầu ứng dụng tốt các tiện ích của CNTT-TT.
c) Công tác tổ chức, cán bộ:
- Tổ chức, bộ máy: Tổ chức bộ máy của Nhà trường có những điều chỉnh sắp xếp đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với quy mô hoạt động. Trong giai đoạn này, Nhà trường thành lập mới 2 PTN mục tiêu trực thuộc là PTN Các hệ Tích hợp thông minh (năm 2006) và PTN Công nghệ Micrô và Nanô (năm 2008) nhằm tiếp nhận và triển khai các dự án đầu tư tương ứng. Việc thành lập mới Khoa Công nghệ Sinh học gặp nhiều khó khăn, sau nhiều lần họp bàn, lãnh đạo Nhà trường đã quyết định điều chỉnh lộ trình và công tác chuẩn bị, cụ thể là Nhà trường đã tổ chức lại Trung tâm Sinh học Phân tử thành Bộ môn Công nghệ Nanô sinh học thuộc Khoa VLKT&CNNN (tháng 3/2007), giao nhiệm vụ cho Bộ môn xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này để chuẩn bị cho quá trình thành lập khoa trong tương lai. 
- Mô hình mở, nhiều nguồn, nhiều tầng: Về phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, Nhà trường đã xây dựng và ban hành kế hoạch đến năm 2010 trong đó chú trọng  phát triển đội ngũ cán bộ của trường dựa vào việc tiếp cận và thu hút các cán bộ khoa học trình độ cao, nguồn tiến sĩ đang được đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Song hành với đó là việc chủ động tạo nguồn giảng viên dựa vào các sinh viên, học viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, có tiềm năng đào tạo trở thành tiến sĩ trong các năm tiếp theo. Giai đoạn đầu, Nhà trường tiếp tục duy trì hình thức thực tập sinh khoa học như trong thời kỳ Khoa Công nghệ, riêng các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa thì được xét tuyển ngay làm giảng viên cơ hữu. Từ năm 2008, thực tập sinh khoa học được chuyển thànhcán bộ tạo nguồn. Cán bộ tạo nguồn được Nhà trường ký hợp đồng lao động có đóng Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế. Nhà trường cũng tiếp tục thực hiện việc đa dạng hóa nguồn kinh phí chi trả lương cho đối tượng này từ nguồn thu bổ sung của trường hoặc nguồn kinh phí các đề tài NCKH.
Với chủ trương phát triển Nhà trường theo định hướng đại học nghiên cứu, việc tích hợp hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học được quan tâm thúc đẩy. Nguồn nhân lực giảng dạy và nghiên cứu của trường được phát triển theo mô hình mở, nhiều nguồn, nhiều tầng. Các nhóm nhiên cứu được thiết lập gồm trưởng nhóm là một nhà khoa học có trình độ cao, tiếp đến là các tiến sĩ trẻ, các cán bộ tạo nguồn, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên năm thứ 4. Bên cạnh nguồn lực này, từ các quan hệ hợp tác trường – viện, Nhà trường đã huy động được một lực lượng đông đảo các nhà khoa học có trình độ cao thuộc các Viện nghiên cứu của Viện HL KH&CN VN tham gia giảng dạy và làm việc tại trường, đặc biệt là tại các khoa, đơn vị phối thuộc như Khoa CHKT&TĐH, Trung tâm Sinh học Phân tử (sau này là Bộ môn Công nghệ Sinh học phân tử). Việc mời các Giáo sư Việt kiều, các Giáo sư người nước ngoài đến trường làm việc tham gia các hoạt động đào tạo, nghiên cứu tiếp tục được Nhà trường quan tâm. Các giáo sư đã có những đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường.
d) Công tác đào tạo
- Nhà trường triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ theo kế hoạch chung của ĐHQGHN, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, chuyển đổi đề cương các môn học bậc đại học, các môn học bắt buộc bậc sau đại học phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ. Từ năm học 2007-2008, sinh viên năm thứ nhất bắt đầu được tổ chức đào tạo theo phương thức tín chỉ, sinh viên các năm khác vẫn được tổ chức đào tạo theo niên chế cho đến khi tốt nghiệp.
 - Năm 2006, Nhà trường là đơn vị tiên phong trong cả nước xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đã ký kết hợp tác với Tập đoàn IMI của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Cơ Điện tử. Chương trình đào tạo được ĐHQGHN phê duyệt và tổ chức tuyển sinh từ năm học 2007-2008. Quá trình đào tạo chương trình này có sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp, sinh viên có thành tích trong học tập được doanh nghiệp cấp học bổng, sinh viên tốt nghiệp được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận làm việc.
- Năm 2007, hướng ứng chủ trương của ĐHQGHN về việc phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học, sau đại học đạt chuẩn quốc tế, giai đoạn đầu được gọi tắt là chương trình 16+23, sau đó gọi là nhiệm vụ chiến lược. Nhà trường đã chỉ đạo đăng ký và triển khai thực hiện. Theo đó, Khoa CNTT đăng ký xây dựng mới chương trình đào tạo đại học và thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính theo chuẩn quốc tế; Khoa ĐTVT đăng ký phát triển ngành Công nghệ ĐTVT hiện đang đào tạo ở khoa để chuyển đổi thành chương trình đạt chuẩn quốc tế. Công tác xây dựng đề án được thực hiện công phu, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, gắn với một đối tác cụ thể. Trong đó chương trình cử nhân Khoa học Máy tính gắn với đối tác là Trường Đại học New South Wales (Úc), chương trình thạc sĩ Khoa học Máy tính gắn với đối tác là Viện Khoa học Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), chương trình cử nhân Công nghệ ĐTVT được gắn với Trường Đại học Quốc gia Singapore. Chương trình thạc sĩ được ĐHQGHN phê duyệt và cho phép tuyển sinh từ năm 2007, 2 chương trình cử nhân được phê duyệt và cho phép tuyển sinh từ năm 2008.  Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao, Nhà trường tiếp tục triển khai đánh giá trình độ sinh viên tốt nghiệp theo các tiêu chí cụ thể chuẩn hóa quốc tế như yêu cầu trình độ Tiếng Anh đạt 480 TOEFL, đã qua kỳ thi sát hạch kỹ năng CNTT cơ bản FE chuẩn Nhật Bản (Trường ĐHCN là trường đại học đầu tiên đưa nội dung thi sát hạch kỹ năng chuẩn Nhật Bản vào chương trình đào tạo) và có chính sách khuyến khích sinh viên CNTT, ĐTVT dự thi sát hạch theo các chuẩn FE, CISCO ... Trường ĐHCN cũng coi thành tích của sinh viên tại các cuộc thi quốc tế về kỹ năng công nghệ là một tiêu chí để đánh giá chất lượng giảng dạy của Nhà trường và đã có nhiều chính sách hỗ trợ một cách tích cực các hoạt động này của sinh viên. Trong ba năm liền (2007, 2008, 2009), đội tuyển sinh viên Trường ĐHCN xuất sắc vượt qua vòng loại, sánh vai trong tốp 100 đội tuyển của các trường đại học danh tiếng nhất thế giới tham dự Chung kết Toàn cầu Cuộc thi Lập trình Sinh viên ACM/ICPC mà ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Nanyang Technological University (Singapore) và Bina Nusantara University (Indonesia) đạt được kết quả đó.
Phủ giáo trình là nhiệm vụ được Nhà trường thường xuyên quan tâm. Nhà trường đã chỉ đạo đã xây dựng bản đồ phủ giáo trình và có kế hoạch biên soạn, xuất bản giáo trình các môn học ổn định trong khung chương trình đào tạo; biên soạn các tài liệu giảng dạy thực hành. Kết quả trong giai đoạn này Nhà trường đã xuất bản mới được 42 giáo trình trong đó có 6 giáo trình thực hành. Nhà trường chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với 4 lĩnh vực KHCN của Nhà trường. Số lượng chương trình đào tạo bậc ĐH  tăng từ 4 lên 7, đào tạo thạc sĩ tăng từ 5 lên 10, đào tạo TS tăng từ 6 lên 7.
- Về hoạt động liên kết đào tạo quốc tế: Nhà trường chủ trương phát triển các hoạt động liên kết đào tạo quốc tế, đã thành lập Văn phòng Liên kết đào tạo Quốc tế trực thuộc trường, thiết lập một số chương trình đào tạo liên kết với đối tác nước ngoài: Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học Máy tính liên kết với Đại học Troy (Hoa kỳ) bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2005-2006; Chương trình cử nhân CNTT liên thông 2+2 với Trường Đại học New South Wales (UNSW) – Úc từ năm học 2007-2008.
Năm 2006, Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội (PUF) được thành lập theo thỏa thuận của hai Chính phủ Pháp và Việt Nam, đặt tại ĐHQGHN. PUF đảm bảo việc triển khai thống nhất các chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam và giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Pháp. Trường ĐHCN là một đầu mối thực hiện chương trình này. Nhà trường được giao tổ chức tuyển sinh và đào tạo chương trình thạc sĩ ngành học Thông tin, Hệ thống và Công nghệ IST (từ năm học 2006-2007) với hai chuyên ngành là: Mạng và truyền thông; Công nghệ Micrô-Nanô.
e) Tiên phong trong kiểm định chất lượng
Trường ĐHCN tiên phong thực hiện các nhiệm vụ kiểm định chất lượng, đưa hoạt động đảm bảo chất lượng vào nền nếp. Năm 2005, Trường ĐHCN tiến hành xây dựng báo cáo tự đánh giá và đăng ký triển khai đánh giá ngoài chương trình cử nhân ngành CNTT theo bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN. Báo cáo sau đó được dịch sang tiếng Anh và tham dự Hội thảo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Năm 2008, Trường ĐHCN xây dựng báo cáo tự đánh giá đơn vị đào tạo và đã được đánh giá ngoài được công nhận đạt kiểm định cấp độ 2 theo bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN. Năm 2009, Chương trình cử nhân ngành CNTT của trường là chương trình đào tạo đầu tiên của Việt Nam được kiểm định đạt chuẩn theo tiêu chuẩn AUN.
f) Hoạt động khoa học công nghệ
Trong giai đoạn này, Nhà trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về KHCN theo hướng phát triển quy mô và nâng cao chất lượng, trình độ khoa học, giá trị thực tiễn của các hoạt động KHCN. Được sự quan tâm, ủng hộ của ĐHQGHN, Nhà trường được phê duyệt và triển khai 2 dự án đu tư chiều sâu xây dựng hai PTN mục tiêu là: “Dự án đầu tư chiều sâu trang thiết bị, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học triển khai ứng dụng cho PTN các hệ tích hợp thông minh” (Dự án SIS) và “Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai vật liệu và linh kiện theo công nghệ Micrô-Nanô” (70 tỷ đồng); thụ hưởng Dự án Giáo dục Đại học C1.II (30 tỷ đồng) đã được triển khai từ giai đoạn Khoa Công nghệ, xây dựng và được phê duyệt tham gia dự án Giáo dục Đại học 2 (TRIG) (25 tỷ đồng), 7 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu. Nhờ các đầu tư này, Nhà trường có sự thay đổi căn bản về diện mạo, điều kiện và môi trường phát triển các hoạt động nghiên cứu, triển khai.
Nhà trường chủ trương phát triển môi trường nghiên cứu với phương châm mỗi giảng viên là một nhà khoa học, hoạt động đào tạo được tích hợp với hoạt động nghiên cứu khoa học. Giảng viên được khuyến khích đăng ký tham gia các đề tài, nhiệm vụ khoa học; cán bộ trẻ mới về trường công tác được hỗ trợ đề tài cấp trường quản lý để khởi động hoạt độ nghiên cứu. Kính phí nghiên cứu tính theo giảng viên trong giai đoạn này đạt 36,7 triệu đồng/người, riêng năm 2009 đạt 81,50 triệu đồng/GV. Có 03 Đề tài KC được triển khai trong giai đoạn này. Số lượng công trình khoa học được cán bộ Nhà trường công bố tăng gấp 2 lần, đạt trung bình 0,77 bài/GV/năm trong đó số bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế tăng nhanh. Theo kết quả ghi nhận từ Scopus, trong giai đoạn này, Trường ĐHCN đã công bố quốc tế 118 công trình (đạt trung bình 0,24 bài/GV/năm).
Liên tiếp các năm từ 2006 đến 2009, các tập thể cán bộ khoa học của Trường ĐHCN có sản phẩm công nghệ dự thi và đạt giải thưởng tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt về CNTT (01 Giải Nhất Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng năm 2006, 01 Giải Sản phẩm vì cộng đồng năm 2007 và 01 Giải Ba Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng năm 2008); Nhiều cá nhân và tập thể các nhà khoa học cũng được tặng thưởng các giải thưởng có giá trị khác như Giải thưởng ĐHQGHN Lần thứ nhất về KHCN, Giải thưởng Scopus Awards cho nhà khoa học Việt Nam có chỉ số h-index cao, Giải thưởng Công trình khoa học Tiêu biểu, nhà khoa học trẻ Tiêu biểu của ĐHQGHN, Giải thưởng Quả cầu vàng CNTT, Giải thưởng IBM Faculty Award. Trường chủ trì tổ chức một số Hội thảo khoa học quốc tế: Hội nghị SIRI năm 2006; KSE năm 2009, NANOMATA 2009, ASICT 2009, SEFM 2009.
g) Hợp tác trong và ngoài nước
- Hợp tác trong nước: Phát huy các hợp tác trường – viện đã được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thiết lập, trong giai đoạn 2005-2009, GS.TS Nguyễn Hữu Đức Hiệu trưởng kế nhiệm đã tiếp tục cụ thể hóa hợp tác này bằng mô hình “đơn vị phối thuộc”“Đơn vị phối thuộc” làm đầu mối thực hiện đào tạo đại học và sau đại học một số chuyên ngành có ý nghĩa chiến lược đối với cả Trường ĐHCN và viện đối tác, được coi như “con đẻ” và chịu sự quản lý điều hành của cả hai cơ quan. Từ các ý tưởng này, Khoa CHKT&TĐH đi vào hoạt động với tư cách một đơn vị (khoa) phối thuộc của Viện Cơ học. Tương ứng, một số phòng thí nghiệm hiện đại từ các viện nghiên cứu là các PTN phối thuộc của Trường ĐHCN. Nhờ các hợp tác này, Trường ĐHCN huy động được nguồn lực khoa học - công nghệ mạnh cho nhiệm vụ đào tạo đối với các chuyên ngành này tạo điều kiện đưa chất lượng đào tạo sớm đạt tới các chuẩn mực cao. Các PTN phối thuộc: PTN Cơ học Kỹ thuật Biển, PTN Chẩn đoán Kỹ thuật (từ Viện Cơ học); Các PTN Điều khiển Máy tính, Các Công nghệ Đặc biệt, Điều khiển Hệ thống (Tập đoàn IMI),… có trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao của các chuyên ngành tương ứng. Trường ĐHCN chủ trương sử dụng lâu dài các PTN phối thuộc này và sẽ tập trung vào việc xây dựng các PTN (bộ môn) hiện đại đối với các chuyên ngành cần có trong Trường ĐHCN mà hiện tại chưa mạnh ở các viện. Đến lượt mình, các PTN và các bộ môn của Trường ĐHCN sẽ trở thành phối thuộc của các viện đối tác. Giải pháp này trở nên có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn ban đầu xây dựng Trường ĐHCN.
- Hợp tác quốc tế: Trường ĐHCN đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xác lập được vị thế quốc tế tốt đối với nhiều cơ sở đào tạo - nghiên cứu tiên tiến và nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới. Nhà trường đã phát huy tác dụng của quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, khoa học - công nghệ và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ của trường. Văn phòng Dự án VNU-JAIST của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), PTN Toshiba-COLTECH đặt tại Trường ĐHCN và một số đề tài, dự án nghiên cứu của các Tập đoàn Mitani, Toshiba và Panasonic do cán bộ giảng viên trường triển khai thực hiện là những minh chứng điển hình về hiệu quả hợp tác quốc tế.
Về đào tạo, đã phát triển mạnh hoạt động phối hợp tổ chức đào tạo sau đại học với các cơ sở đào tạo – nghiên cứu tiên tiến ở Nhật Bản và Pháp cả theo quy mô và theo trình độ. Theo quy mô, đã triển khai các chương trình đào tạo tiến sĩ phối hợp (theo Đề án 322 của Bộ GD&ĐT) với JAIST và với Trường Đại học Paris-Sud 11 (Pháp), các chương trình đào tạo thạc sĩ phối hợp với JAIST, Trường Đại học Osaka (Nhật Bản), Trường Đại học Paris-Sud 11 (Pháp) và Trường Đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp). Theo trình độ, đã liên thông được chương trình đào tạo cử nhân ngành Vật lý Kỹ thuật của Trường ĐHCN tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào năm thứ hai (M2) của chương trình đào tạo hai năm cấp bằng thạc sỹ của Đại học Paris-Sud 11, cử nhân ngành CNTT loại khá trở lên được xem xét tuyển thẳng vào năm thứ hai (M2) của chương trình đào tạo cấp bằng thạc sỹ của Trường Đại học Claude Bernard Lyon 1; đã thỏa thuận thực hiện liên thông chương trình đào tạo cử nhân ĐTVT của Trường ĐHCN với chương trình đào tạo cử nhân Kỹ nghệ Điện - Điện tử của ĐH New South Wales (Úc). Nhà trường và các đối tác đang triển khai các thỏa thuận hợp tác đào tạo quốc tế gồm 6 chương trình đào tạo phối hợp theo Đề án 322 của Bộ GD&ĐT (02 với JAIST, 02 với Trường Đại học Osaka, 02 với Trường Đại học Paris-Sud 11) và 05 chương trình đào tạo liên kết (01 với Trường Đại học CB Lyon 1, 01 với Trường Đại học Đông Nam (Trung Quốc), 01 với Đại học New South Wales, 01 với Đại học Troy, 01 với Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc lập Đài Loan).
Về hoạt động hợp tác KHCN quốc tế, Trường ĐHCN đã phối hợp tổ chức các hội thảo, trao đổi khoa học với một số tập đoàn hàng đầu trên thế giới (NEC, Toshiba, Panasonic của Nhật Bản, IBM của Hoa kỳ...) để giới thiệu, tìm hiểu năng lực và lĩnh vực nghiên cứu nhằm thiết lập các chương trình nghiên cứu chung. Một số nhà khoa học của Trường ĐHCN đã đề xuất và tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu với các tập đoàn Toshiba, Mitani, Panasonic, IBM... về nghiên cứu một số giải pháp công nghệ, hoặc với các trường đại học như Paris-Sud 11 về thiết bị ăng ten siêu cao tần, với UIUC (Hoa kỳ) về hệ thống tìm kiếm thực thể.
Thông qua hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, Trường ĐHCN có gần 40 giảng viên trẻ, giảng viên tạo nguồn được cấp học bổng đào tạo tiến sĩ của nước ngoài mà điển hình nhất là JAIST. Nếu xét về kinh phí đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài thì hiệu quả của hợp tác quốc tế này là rất lớn. Từ các hợp tác này, số lượt cán bộ, sinh viên được cử đi trao đổi khoa học, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ ở nước ngoài tăng hàng năm đạt trung bình 61,2 lượt người/năm, trong đó trung bình 28,4 lượt người/năm do đối tác nước ngoài đài thọ kinh phí, điển hình các Viện NII, Tập đoàn  Toshiba (Nhật Bản) đã cấp học bổng cho 4 cán bộ là nghiên cứu sinh đi thực tập 10 tháng/1 người tại các phòng thí nghiệm của các tập đoàn này.
h) Phát triển cơ sở vật chất
Cuối năm 2006, Khu giảng đường tại 252 Hoàng Quốc Việt được chuyển về địa điểm mới thuê tại Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội phục vụ đào tạo đại học và Khu NTC-Mỹ Đình phục vụ đào tạo sau đại học với tổng diện tích 1956 m2. Trong giai đoạn này, lãnh đạo Nhà trường quyết tâm giải quyết bài toán thuê phòng học bằng chủ trương cải tạo, nâng cấp một số Tòa nhà tại khu vực 144 Xuân Thủy. Được sự ủng hộ của ĐHQGHN và Trung tâm Nội trú Sinh viên (nay là Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên), Nhà trường đã triển khai dự án cải tạo nâng tầng câu lạc bộ Nhà ăn sinh viên vào năm 2007, tiếp đó năm 2008 thực hiện dự án cải tạo nâng tầng Nhà G2. Nhờ quyết tâm này, Nhà trường đã có thêm hơn 2000 m2 phòng học đảm bảo từ năm học 2008-2009, không phải đi thuê phòng học nữa.
 
II. Nhiệm kỳ thứ hai (2009-2014): phát triển và trưởng thành
Ngày 9/4/2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 2828/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHCN nhiệm kỳ 2009-2014. Đại hội Đảng bộ Trường ĐHCN lần thứ hai trong các ngày 6-7/7/2010 đã tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng Trường ĐHCN theo định hướng đại học nghiên cứu, trở thành trường đại học tiêu biểu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, từng bước đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và Quốc tế với phương hướng chung là “Xây dựng tại Trường ĐHCN một môi trường giáo dục ĐH chuẩn mực là một thể thống nhất hữu cơ của tất cả các mặt giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cấu thành từ: Môi trường đào tạo chuẩn mực; Môi trường hoạt động nghiên cứu tích cực; Môi trường trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế cởi mở, năng động và thân thiện; Môi trường quản lý chuyên nghiệp, văn minh;Môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn”. Kế thừa các thành quả, tâm huyết của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu và GS.TS Nguyễn Hữu Đức, giai đoạn 2009-2014, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình đã cùng tập thể Đảng ủy – BGH và toàn thể cán bộ, viên chức trong trường thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giai đoạn mới, đưa Trường ĐHCN phát triển và trưởng thành:
1. Về Cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ
Về tổ chức bộ máy, trong giai đoạn này, Nhà trường thí điểm mô hình phòng thí nghiệm trực thuộc khoa thay thế các Bộ môn truyền thống. Các PTN này có nhiệm vụ tổ chức NCKH và chuyển giao công nghệ, tham gia một số khâu trong đào tạo đại học và sau đại học theo sự phân công của khoa, không quản lý các ngành/chuyên ngành đào tạo như Bộ môn truyền thống. Mở đầu là sự ra đời của PTN Tương tác Người – Máy của Khoa CNTT, tiếp đến là việc chuyển đổi Bộ môn Xử lý Thông tin của Khoa ĐTVT thành PTN Tín hiệu và Hệ thống. Hai PTN Công nghệ Tri thức và Hệ thống Nhúng trực thuộc Khoa CNTT là PTN vệ tinh của PTN Mục tiêu Hệ thống tích hợp Thông minh (SIS) trực thuộc trường. Cuối năm 2013, Nhà trường thành lập thêm PTN An toàn thông tin để phát triển hướng nghiên cứu về An toàn, An ninh thông tin. Mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, các PTN tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, không phải thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều phối hoạt động đào tạo. Cán bộ, giảng viên thuộc PTN sinh hoạt chuyên môn giảng dạy và chịu sự phân công giảng dạy của Bộ môn. Tuy vậy, mô hình này cũng tồn tại một số hạn chế như: việc phối hợp hoạt động giữa Bộ môn và PTN trong hoạt động đào tạo; cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sử dụng nguồn lực cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và nhân lực.
Trong giai đoạn nay, Nhà trường đã thành lập mới Trung tâm Đảm bảo Chất lượng (năm 2010); Trung tâm Liên kết đào tạo, Dịch vụ Khoa học Công nghệ và Chuyển giao Tri thức (năm 2011) trên cơ sở nâng cấp Văn phòng Liên kết Đào tạo Quốc tế; Trung tâm Công nghệ Tích hợp liên ngành Giám sát hiện Trường (2013) để tiếp nhận và triển khai dự án và nhiệm vụ nghiên cứu liên ngành về giám sát hiện trường. Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Phần mềm được tách khỏi Trường ĐHCN để thành lập Trung tâm Ứng dụng CNTT thuộc ĐHQGHN. Điều kiện thành lập thành lập Khoa Công nghệ Sinh học vẫn chưa chín muồi, Đảng ủy-BGH đã thống nhất lùi kế hoạch sang giai đoạn sau. Bộ môn Các Phương Pháp toán trong Công nghệ thuộc Khoa CNTT được được đổi tên, bổ sung nhiệm vụ thành Bộ môn Khoa học và Kỹ thuật Tính toán.
Về phát triển đội ngũ: Nhà trường tiếp tục các chính sách cán bộ đã được đề ra trong giai đoạn trước, mỗi năm trung bình thu hút thêm được 6 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Chính sách cán bộ tạo nguồn tiếp tục được thực hiện và được cụ thể hóa thành quy chế ban hành năm 2011. Từ năm 2009 đến nay Trường  đã tuyển dụng, tiếp nhận được 32 tiến sĩ vào đội ngũ giảng viên của trường. Trong giai đoạn này cũng có 19 giảng viên của trường hoàn thành chương trình NCS được nhận bằng tiến sĩ. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên luôn đạt trên 70%, tỷ lệ GS, PGS đạt trên 25%. Cơ cấu, tỉ lệ cán bộ giảng dạy, hành chính, phục vụ được phát triển theo đúng quy định của ĐHQGHN. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi trung bình đạt 12.
Trong giai đoạn này, Nhà trường thực hiện Dự án TRIG và Đề án phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế trong đó mục tiêu quan trọng là đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Nhờ vào hai dự án này, toàn trường có gần 100 lượt cán bộ (35 lượt từ Đề án nhiệm vụ chiến lược và 60 lượt từ Dự án TRIG) đã được cử đi đào tạo, trao đổi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài trong đó nhiều lượt có thời gian đi từ 1 đến 6 tháng.
Mỗi năm Nhà trường có trung bình 4 cán bộ được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư, trong đó có nhiều cán bộ trẻ, đặc biệt có những cán bộ ở độ tuổi rất trẻ, được công nhận là PGS trẻ nhất Việt Nam như PGS.TS Bùi Thế Duy được phong chức danh năm 31 tuổi.
2. Phát triển môi trường đào tạo chuẩn mực
- Nhà trường triển khai áp dụng toàn diện phương thức đào tạo tín chỉ thay thế đào tạo niên chế. Công tác quản lý, điều hành tổ chức dạy và học trong giai đoạn này có sự thay đổi căn bản với nhiều nhiệm vụ mới như: Triển khai phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ; tổ chức cho sinh viên đăng ký môn học và xếp lớp môn học cho mỗi học kỳ; tổ chức các học kỳ phụ, học cải thiện điểm, tương tác thầy – trò, … Nhà trường cũng đã triển khai hoàn thành một khối lượng lớn xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra, cập nhật nội dung, xây dựng đề cương chi tiết các môn học, tăng cường công tác giáo trình, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo cho tất cả các ngành học. Khóa sinh viên đầu tiên được đào tạo hoàn toàn theo phương thức tín chỉ đã tốt nghiệp năm 2013. Nhà trường tiếp tục giữ vững và phát triển môi trường đào tạo lành mạnh, không có tiêu cực, lấy sinh viên làm trung tâm.
- Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, thực hiện lộ trình tăng quy mô đào tạo một cách hợp lý: Nhà trường đã được phê duyệt thêm chương trình đào tạo kỹ sư ngành Truyền thông và Mạng máy tính (trong khuôn khổ thực hiện Dự án Giáo dục Đại học 2-TRIG), thạc sĩ chuyên ngành Cơ Điện tử, thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông, tiến sĩ chuyên ngành Cơ kỹ thuật, tiến sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính theo nhiệm vụ chiến lược; tiếp nhận chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Hệ thống thông tin từ Viện CNTT của ĐHQGHN; được phê duyệt Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 theo đề án 911 với 5 chuyên ngành là: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật Điện tử và Kỹ thuật Viễn thông. Năm 2014, quy mô tuyển sinh đại học của trường tăng 25% so với năm 2009. Nhà trường đã xây dựng và được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt Quy hoạch các ngành và chuyên ngành đào tạo của Nhà trường giai đoạn 2014-2019. Trong giai đoạn này, Nhà trường cũng xây dựng và triển khai một số chương trình đào tạo ngành kép với Trường ĐHKHTN và Trường ĐHKT, đáp ứng nhu cầu người học.
- Tiếp tục thực hiện tốt Đề án phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế đã được triển khai từ năm 2008 trên quan điểm phát triển bền vững gắn nhiệm vụ chiến lược với công tác thường xuyên có sự quan tâm đặc biệt: đối với 3 chương trình đào tạo: Khoa học Máy tính bậc Cử nhân và Thạc sĩ, Công nghệ ĐTVT bậc đại học, Nhà trường đã chỉ đạo, triển khai đúng tiến độ, vượt mức nhiều chỉ tiêu, sản phẩm theo đề án. Sinh viên tham gia chương trình phải tăng cường học ngoại ngữ, được quản lý tập trung năm thứ nhất tại Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN. Các môn chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Anh, có giảng viên trợ giảng. Hội đồng chấm Khóa luật tốt nghiệp của sinh viên, chấm Luận văn của học viên cao học có sự tham gia của giáo sư nước ngoài. Học viên cao học và sinh viên tốt nghiệp đều thể hiện tốt năng lực giao tiếp và trao đổi học thuật hiệu quả bằng tiếng Anh, một số tham gia nghiên cứu cùng với giảng viên và đã có những công trình được công bố tại các Hội nghị Khoa học Quốc tế, riêng học viên cao học 100% tốt nghiệp đều có công bố quốc tế. Nhiều học viên, sinh viên được chuyển tiếp các bậc học cao hơn ở các trường đại học, viên nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Hoạt động quản lý và tổ chức đào tạo được quan tâm, thực hiện nền nếp, gắn với công tác thường xuyên (không theo quan điểm dự án) nên tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn đảm bảo bền vững, không có sự xáo trộn. Sinh viên tốt nghiệp được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Hai chương trình đào tạo đại học theo nhiệm vụ chiến lược đã được kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn AUN: chương trình Cử nhân ngành Công nghệ ĐTVT kiểm định tháng 4/2013, Cử nhân ngành Khoa học Máy tính kiểm định tháng 5/2014. Mặc dù vậy, các chương trình đào tạo này có những khó khăn, bất cập như thời lượng học ngoại ngữ và chuyên môn; việc giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng anh; chưa có sự sàng lọc trong sinh viên, ...Từ năm 2013, một số vấn đề đã được ĐHQGHN xem xét tháo gỡ trong đó đã cho phép Nhà trường xây dựng và thực hiện song hành chương trình chuẩn và chương trình đào tạo nhiệm vụ chiến lược. Các sinh viên chưa đáp ứng một số chuẩn đầu ra chương trình nhiệm vụ chiến lược nhưng đã hoàn thành và đủ điều kiện tốt nghiệp của chương trình đào tạo chuẩn thì được cấp bằng tốt nghiệp hệ chuẩn.
Nhà trường chỉ đạo xây dựng một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng cơ chế cố vấn học tập hỗ trợ sinh viên qua đó ổn định tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 96% trong đó tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn đạt 70%, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp loại xuất sắc, giỏi, khá, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở mức cao. Từ năm học 2013-2014, Giám đốc ĐHQGHN đồng ý chuyển giao nhiệm vụ giảng dạy Vật lý đại cương từ Trường ĐHKHTN cho Trường ĐHCN nhằm đảm bảo chủ động trong công tác đào tạo của trường. Sinh viên đạt nhiều thành tích, giải thưởng ở các cấp độ khác nhau như nhiều năm liên tục đạt giải nhất cuộc thi Imagine Cup trở thành đại diện Việt Nam dự thi Quốc tế; Giải nhất, nhì cuộc thi PROCON tổ chức ở Nhật Bản trong nhiều lần tham dự; Giải thưởng Honda Yes, Quả Cầu vàng CNTT; thành tích cao trong các kỳ thi ACM, Olympic Tin học, Toán học, Vật lý, Cơ học.
- Từ năm 2009, Trường ĐHCN được ĐHQGHN giao nhiệm vụ tổ chức Hội đồng thi tuyển sinh bậc sau đại học độc lập và đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. BGH đã chỉ đạo tăng cường công tác kế hoạch, kỷ cương với các hoạt động đào tạo sau đại học: Tổ chức giảng dạy theo học kỳ; bảo vệ luận văn thạc sĩ theo đợt; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá tiến độ. Quy mô đào tạo sau đại học đạt trung bình 27,5% so với quy mô đào tạo hệ đại học chính quy. Trong giai đoạn này, số lượng NCS bảo vệ thành công luận án, được cấp bằng tiến sĩ tăng nhanh.
- Từ năm 2011, Trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ vụ tập huấn Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dự thi Olympic Tin học Quốc tế và khu vực đạt kết quả tốt, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao. Cùng với việc quan tâm thực hiện thường xuyên công tác quảng bá tuyển sinh, từ thực hiện nhiệm vụ này, Trường ĐHCN có thêm điều kiện thu hút tuyển thẳng các học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào.
- Về liên kết đào tạo quốc tế: Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT có sự thay đổi trong chính sách tuyển sinh đối với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế bậc đại học do vậy Nhà trường gặp khó khăn, không tuyển sinh được các khóa mới. Các chương trình đào tạo trong khuôn khổ dự án Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội thực hiện hiệu quả, kết thúc dự án vào năm 2012; Thực hiện tốt các đề án đào tạo tiến sĩ phối hợp theo 322 đã được thiết lập từ giai đoạn trước. Trường đã được phê duyệt tham gia Đề án 911 giai đoạn mới; Triển khai thành công hợp tác với ĐH Lyon 1.
3. Phát triển môi trường nghiên cứu tích cực
Nhiệm vụ chính trong hoạt động KHCN của Nhà trường giai đoạn này là khai thác có hiệu quả tiềm lực KHCN với cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư như các phòng thí nghiệm mục tiêu trực thuộc trường và các phòng thí nghiệm chuyên đề tại các khoa; phát triển các nghiên cứu tập trung hướng tới các sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng, chất lượng KHCN cao được xã hội thừa nhận, có khả năng thương mại hóa và nâng cao chỉ số bài báo công bố quốc tế; tăng nguồn thu từ hoạt động KHCN để đạt tỷ lệ ngân sách hoạt động của Nhà trường 6/3/1 (Đào tạo/KHCN/Dịch vụ).
Các nhóm nghiên cứu tiếp tục được phát triển, toàn trường có 16 nhóm trong đó có 2 nhóm được ĐHQGHN công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh. Nhà trường tiếp tục các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu tạo điều kiện cho cán bộ khoa học và giảng viên đăng ký thực hiện các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu từ các chương trình KHCN trọng điểm của Nhà nước, từ các tập đoàn công nghệ, công nghiệp trong và ngoài nước và từ các chương trình nghiên cứu phát triển KHCN của Hà Nội và các địa phương khác. Nhờ đó, trong giai đoạn này, nguồn kinh phí nghiên cứu tính bình quân cho một giảng viên cơ hữu hằng năm đều đạt trên 93,7 triệu đồng, trong đó tới 80% nguồn kinh phí là từ các cơ sở ngoài ĐHQGHN với tổng số 05 đề tài thuộc các chương trình KC, 02 đề tài nghị định thư, 01 đề tài phối hợp với ĐHQG TPHCM.
Chất lượng của hoạt động nghiên cứu đã có sự chuyển biến rõ rệt qua từng năm với số bài báo khoa học công bố xuất bản trên các tạp chí quốc tế, các hội nghị quốc tế tính bình quân trên một giảng viên cơ hữu đạt 1,47 bài/năm, tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước, năm 2013 đạt 2 bài/giảng viên. Nhà trường đã phát triển và hình thành nhiều sản phẩm KHCN như (1) Khối tổ hợp công suất phát 8 đường dùng cho máy nhận biết mã chủ quyền quốc gia, sản phẩm của đề tài KC.01.12/06-10 (đoạt Cúp Vàng tại Techmart 2012); (2) Cảm biến đo và xác định chiều của từ trường trái đất, sản phẩm của đề tài thuộc chương trình nghiên cứu KHCN Vũ trụ  (đoạt Cúp Vàng tại Techmart 2012); (3) CoMoSy - Hệ thống trên chip dùng trong đo lường, điều khiển và giám sát môi trường dựa trên công nghệ FPGA, sản phẩm của đề tài PUF.08.06, đang được hoàn thiện và đã ký thỏa thuận hợp tác chuyển giao để triển khai rộng rãi trên toàn quốc (Sản phẩm được Giám đốc ĐHQGHN tặng bằng khen tại triển lãm thành tựu KHCN kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHQGHN); (4) Hệ thống cửa tự động lắp cho biệt thự, sản phẩm nghiên cứu của đề tài KC.03.12/06-10; (5) Hệ thống thu thập và Phân tích quan điểm cộng đồng mạng đối với các sản phẩm thương mại, sản phẩm của đề tài KC.01.TN04/11-15; (6) Hệ thống cung cấp video 360 độ trên bản đồ trực tuyến cho một số đường phố chính của Hà Nội, sản phẩm của đề tài KC.01.TN11/11-15; (7) Hệ thống đo tự động từ xa các thông số của bệnh nhân. Sản phẩm là một phần kết quả của đề tài QGTĐ.05.09 và đề tài TC-CN/03-06-2, đã được Cục SHTT cấp bằng độc quyền về Giải pháp hữu ích; (8) Đi-ốt phát quang hữu cơ OLED. Sản phẩm của đề tài NCCB-ƯD; (9) Vi mạch mã hóa tín hiệu video H.264/AVC. Sản phẩm của đề tài QGĐA.10.02; (10) Hệ thống tự động hoá phục vụ cảnh báo, giám sát và điều hành cho hệ thống truyền hình cáp hữu tuyến được triển khai thử nghiệm tại Đài Truyền hình Hà Nội. Sản phẩm của đề tài mã số ĐL/04-2011-2; (11) Phần mềm đào tạo điện tử (E-learning) hướng nghiệp phục vụ người khiếm thị, hiện đang được triển khai thử nghiệm tại Hội người khiếm thị Thành phố Hà Nội. Sản phẩm của đề tài cấp Bộ Thông tin – Truyền thông năm 2012; (12) Hệ thống thông tin phục vụ tác nghiệp trong các tình huống khẩn cấp. Sản phẩm là một phần kết quả của đề tài do Trung tâm Hỗ trợ và Nghiên cứu châu Á tài trợ năm 2012 và đề tài QG.13.06; (13) Bản đồ gen của các loài sinh vật quan trọng ở Việt Nam, đặc biệt là bản đồ gen người Việt Nam (xây dựng từ dữ liệu gen được công bố bởi dự án quốc tế “1000 Hệ Gen Người”). Sản phẩm là một phần kết quả của đề tài QKHCN.13.01.
Trong giai đoạn này, hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm phát triển. Nhà trường đã có 06 sản phẩm hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, đang trong giai đoạn thẩm định của Cơ quan có thẩm quyền.  Trường ĐHCN được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ và Phát minh Thế giới (WIIPA) giao làm đầu mối tại Việt Nam lựa chọn và giới thiệu sản phẩm sáng chế, phát minh thanh thiếu niên dự Triển lãm IYIE, đã đạt giải thưởng cao năm 2012, 2013. Năm 2011, Trường có sản phẩm đạt Huy chương Đồng tại Chợ Công nghệ và Triển lãm Phát minh Sáng chế Quốc tế của WIIPA tại Đài Loan.
Hằng năm, Trường ĐHCN còn là đơn vị đăng cai và phối hợp với các đơn vị khác ở trong nước tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế trên các lĩnh vực KHCN liên quan như ATC, KSE, ICDV, RIVF, NANOMATA, ICEMA, ... Các nhà khoa học của Trường cũng đóng góp rất tích cực vào các hoạt động trao đổi học thuật và các hoạt động của các hiệp hội nghề nghiệp khác. Khoa ĐTVT là địa chỉ văn phòng trị sự của Tạp chí Điện tử - Truyền thông (JEC). Trường ĐHCN đã đề xuất và được ĐHQGHN giao nhiệm vụ xây dựng Chuyên san Công nghệ Thông tin và Truyền thông (JCSE) xuất bản bằng Tiếng Anh có tiềm năng trao đổi giao dịch quốc tế, đã xuất bản số đầu tiên vào tháng 7/2014. Nhà trường cũng được Hiệp hội Kỹ sư Điện, Điện tử và Truyền thông Nhật Bản (IEICE) làm đầu mối thành lập Chi nhánh Hiệp hội này tại Việt Nam và văn phòng Chi nhánh IEICE Vietnam Section đã được thiết lập tại Trường ĐHCN.
Nhà trường đã chủ động đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền nhiều dự án đầu tư KHCN nhằm tăng cường thêm tiềm lực KHCN của trường, củng cố các hướng nghiên cứu đã được thiết lập và mở ra các hướng nghiên cứu và đào tạo mới có tính liên ngành cao. Trong giai đoạn này, Nhà trường tập trung triển khai Dự án Giáo dục Đại học 2 – TRIG phát triển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực mạng và truyền thông với tổng kinh phí 1,5 triệu USD (đã hoàn thành), nhờ dự án này hạ tầng CNTT-TT của Nhà trường tiếp tục được nâng cấp, Trường ĐHCN là đơn vị đầu tiên trong ĐHQGHN cấp đầy đủ tài khoản email cho người học, hệ thống wifi phủ khắp các giảng đường; tham gia thực hiện Dự án Nanô ứng dụng của ĐHQGHN, nhiệm vụ của trưởng có kinh phí 22 tỷ đồng (đã hoàn thành); thực hiện Dự án “Dự án đầu tư phát triển công nghệ tích hợp giám sát hiện trường tai biến phục vụ ra quyết định nhanh và chính xác” với tổng kinh phí 70 tỷ đồng (đang triển khai). Ngoài ra, Nhà trường cũng trình ĐHQGHN xem xét đưa vào kế hoạch năm 2015-2017 dự án đầu tư chiều sâu về khoa học tính toán và xử lý dữ liệu lớn với 21,3 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống phát triển công nghệ lĩnh vực cơ học kỹ thuật và tự động hóa với kinh phí 62,8 tỷ đồng; dự án xây dựng Phòng thí nghiệm Thực hành liên ngành Cơ - Điện - Điện tử 30 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/1/2014). Trường ĐHCN là một trong bẩy cơ sở đào tạo trọng điểm được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực này, kinh phí dự kiến triển khai là 35 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực góp phần tăng cường tiềm lực KHCN của Nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Trường ĐHCN theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến.
Với những kết quả trên, Trường ĐHCN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển môi trường nghiên cứu tích cực. Năng lực nghiên cứu của Nhà trường được khẳng định và phát huy rõ rệt đồng thời cũng được cộng đồng KHCN trong và ngoài nước công nhận và đánh giá cao.
4. Xây dựng môi trường hợp tác trao đổi rộng mở, năng động, thân thiện và hiệu quả
Trường ĐHCN tiếp tục là đơn vị giáo dục đại học hàng đầu phát triển một cách có hiệu quả các quan hệ liên kết, hợp tác bền vững với các viện nghiên cứu thành viên của Viện HL KHCN VN (Viện CNTT, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Cơ học, ...) và đối tác công nghệ và công nghiệp truyền thống như Tập đoàn IMI. Nhà trường cũng mở rộng các quan hệ hợp tác này sang một số viện nghiên cứu phát triển tại một số cơ sở doanh nghiệp công nghệ khác (Viện Nghiên cứu Cơ khí, Công ty HIPT, Tinh Vân, Lạc Việt, FSOFT, ...) ở trong nước và khai thác tốt các quan hệ hợp tác này cho các hoạt động đào tạo.
Hợp tác với Viện cơ học là hợp tác chiến lược của Nhà trường. Trong giai đoạn này, Nhà trường đã làm sâu sắc hơn, bền vững hơn và thực chất hơn mô hình  ”khoa phối thuộc” mà các Hiệu trưởng tiền nhiệm đã tạo dựng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình đã đề xuất phát triển khoa phối thuộc theo mô hình ”2+X” trong đó nên tảng hợp tác, phát triển khoa CHKT&TĐH là Trường ĐHCN và Viện Cơ học, Trên nền tảng này, Trường và Viện cùng phát triển các đối tác mới cho khoa CHKT&TĐH như Tập đoàn IMI, Viện Nghiên cứu Cơ khí, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, ... Mô hình này là cách đi đúng, sáng tạo, hiệu quả cho tất cả các bên liên quan. Nhà trường cùng với Viện cơ học đã tổ chức các Hội thảo về mô hình này vào năm 2010 và năm 2013, được ĐHQGHN, Viện HL KHCN VN và các Bộ, ngành đánh giá cao, xem như hình mẫu về hợp tác Trường-Viện ở Việt Nam.
Nhà trường cũng chú ý phát triển hợp tác với Viện CNTT thuộc ĐHQGHN. Hiệu trưởng Nhà trường trong nhiều giai đoạn đồng thời là Phụ trách Viện CNTT, một Phó chủ nhiệm Khoa CNTT giữ chức Phó Viện trưởng Viện CNTT, đã tích hợp các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Khoa CNTT với Viện CNTT, đã xây dựng và tạo điều kiện để Viện CNTT tổ chức đào tạo thạc sĩ hệ thống thông tin quản lý, xây dựng các PTN nghiên cứu liên kết, ... Tuy nhiên, hiệu quả của hợp tác chưa cao vì những lý do khác nhau. Nhà trường cũng có quan hệ và hợp tác tốt với Viện Tin học Pháp ngữ IFI. Gần đây, có quan hệ hợp tác nhiều triển vọng với Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.
Nhà trường tiếp tục là địa chỉ thu hút nhiều sự quan tâm hợp tác của các đơn vị tổ chức đào tạo, nghiên cứu từ nước ngoài. Trong giai đoạn 2009-2014, Trường ĐHCN đã thiết lập mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi tới các trường đại học nước ngoài như: Trường Đại học Kanazawa, Osaka, Saga, Toyohashi, Kyoto, Chiba (Nhật Bản); Trường Đại học Yuan Ze (Đài Loan, Trung Quốc); Trường Đại học Dublin (Ireland), Trường Đại học Công nghệ Sydney, McQuarry (Úc); Trường Đại học San Diego, Houston-Clearlerk, Chicago (Hoa Kỳ),... cùng với một loạt các trường, viện đào tạo và nghiên cứu trên lĩnh vực Công nghệ Thông tin và An toàn Thông tin của Liên bang Nga như Trường Đại học Quốc gia Lomonosov (MGU), Trường Đại học Bauman, Trường Đại học Vật lý Kỹ thuật Moscow, Trường Đại học Kỹ thuật St. Peterburg (LETI). Các hoạt động hợp tác trao đổi quốc tế đã được chuyển giao thực hiện trực tiếp tại các đơn vị đào tạo và nghiên cứu ở các khoa. Đặc biệt, từ tháng 6 năm 2011, Trường ĐHCN đã trở một trong bốn thành viên sáng lập Mạng lưới Đào tạo Nghề Châu Á (Asian Professional Education Network - APEN) và là đầu mối chi nhánh Việt Nam của APEN, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động hữu ích tại Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động của APEN, nhất là trong việc xúc tiến các hoạt động hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản với các đối tác Việt Nam. Nhà trường tham gia mạng thông tin Á-Âu giai đoạn 2 (TEIN2), được sử dụng đường truyền tốc độ cao kết nối với các trung tâm đại học lớn phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Từ các hợp tác quốc tế, hằng năm Nhà trường có khoảng 100 lượt cán bộ, sinh viên được cử đi trao đổi, nghiên cứu, học tập ở nước ngoài trong đó 60% số lượt do đối tác nước ngoài tài trợ. Tỷ lệ giảng viên được tạo điều kiện đi trao đổi ở nước ngoài 2 năm/lần đạt khoảng 50%.
Nhà trường cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Liên kết Đào tạo, Dịch vụ và Chuyển giao Tri thức Khoa học Công nghệ (TSK) nhằm tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường vào xã hội.
Trong thời gian vừa qua, Nhà trường đã tích cực mở rộng và khai thác sâu hơn các quan hệ hợp tác liên kết với các tập đoàn công nghệ, công nghiệp quốc tế có danh tiếng qua một số hoạt động cụ thể là triển khai các dự án nghiên cứu và đào tạo với hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác từ các đối tác này như: Dự án nghiên cứu của Tập đoàn NEC (2009-2011), Panasonic (2010-2012) và các tập đoàn Toshiba, Mitani Sangyo (hằng năm), Dự án hợp tác với công ty Human Resocia của Nhật Bản cấp học bổng đào tạo nhân lực (học Tiếng Nhật) cho sinh viên kỹ thuật của Trường ĐHCN và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thiết lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Công nghệ Xuất sắc IBM-UET (IBM-UET Center of Excellence) tại trường, triển khai giảng dạy và cấp chứng chỉ nhiều chuyên đề công nghệ cho hàng trăm sinh viên Trường ĐHCN và các đơn vị đào tạo khác tại Hà Nội. Văn phòng VNU-JAIST đặt tại Trường ĐHCN tiếp tục hoạt động hiệu quả. Tổng kinh phí thu hút được từ các hoạt động này đạt gần 2 tỷ đồng. Tháng 8/2014, Tập đoàn SamSung tại Việt Nam đã tài trợ cho Nhà trường 1 phòng máy tính phục vụ công tác thực hành (40 máy) và đào tạo bổ trợ công nghệ cho sinh viên, tặng học bổng cho 20 sinh viên mỗi suất trị giá 50 triệu đồng, hỗ trợ 2 tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học của cán bộ và hoạt động KHCN của Trường.
Nhà trường luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đặc biệt, NGND.GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là Chủ tịch Hội đồng cố vấn quốc tế (IAB), GS Takuya Takayama (Chủ tịch JAIST) và GS Satoru Harada (Trường Đại học Keio) là các thành viên đã luôn tâm huyết với Nhà trường và cố vấn nhiều hoạt động về hợp tác và phát triển cho Nhà trường.
5. Phát triển môi trường quản trị đại học hiện đại, văn minh
Nhà trường đã lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý theo tinh thần đổi mới quản trị đại học như: Quy chế làm việc của Trường ĐHCN, các quy định, hướng dẫn thực hiện các công tác về cán bộ tạo nguồn, về chức trách nhiệm vụ của giảng viên, về chức năng nhiệm vụ các đơn vị quản lý hành chính và các khoa trực thuộc của trường. Cùng với việc đó, Nhà trường đã có cố gắng lớn trong việc triển khai xây dựng, điều chỉnh và đưa vào áp dụng Hệ thống các quy trình công tác quản lý, hành chính cho việc điều hành hoạt động của Nhà trường hướng theo Hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000-2008.
Nhà trường đã quyết định chuyển dời, hoán đổi vị trí văn phòng làm việc, cải tạo nâng cấp tầng 1 Nhà E3 đưa vào hoạt động hệ thống văn phòng không gian mở từ năm 2012 và đã mang lại hiệu quả tốt cho hoạt động chung. Việc cải tạo, nâng cấp giảng đường, lớp học, phòng làm việc thực hiện thường xuyên, hằng năm tại các Khoa, đơn vị và rà soát, điều chỉnh, sắp xếp kịp thời góp phần tạo điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên tốt hơn trong điều kiện diện tích mặt bằng cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu rất hạn hẹp. Nhà trường cũng đã triển khai dự án cải tạo, mở rộng đầu hồi phía đông Nhà E3, dự án cải tạo khu vực cầu thang Nhà E3 mở rộng thêm 600 m2 phòng làm việc đồng thời khảo sát, đề xuất được Giám đốc ĐHQGHN đồng ý chủ trương cho phép cải tạo nâng tầng Nhà E3 và sẽ thực hiện trong năm 2015.
Nhà trường đang triển khai các giải pháp quản lý, chuyển giao phân cấp một số hoạt động quản lý về các đơn vị cấp khoa, tăng cường tính chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các khoa trong trường nhằm nâng cao vai trò và vị thế của các đơn vị này.
Công tác xây dựng và triển khai các Đề án, dự án được quan tâm, trên cơ sở triển khai có hiệu quả dự án TRIG tạo tiền đề công tác xây dựng, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư chiều sâu, tăng cường năng lực đặc biệt và được ĐHQGHN giao nhiệm vụ và kinh phí trong những năm gần đây, đồng thời triển khai ký kết các hợp đồng chuyển giao KHCN với các đối tác tập đoàn công nghệ, công nghiệp trong và ngoài nước và từ các chương trình nghiên cứu phát triển KHCN của Hà Nội và các địa phương, công tác đào tạo sau đại học tại các địa phương, ... góp phần quan trọng tạo nguồn thu trong nhà trường.  
Các hoạt động đảm bảo chất lượng đã được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của nhà trường, giúp cho nhà trường từng bước hướng đến văn hóa chất lượng một cách vững chắc. Phương châm ”lấy các tiêu chí kiểm định chất lượng làm thước đo đánh giá các hoạt động của Nhà trường” được quán triệt triển khai. Trong giai đoạn này, cùng với 2 chương trình cử nhân nhiệm vụ chiến lược được kiểm định đạt chuẩn AUN, Nhà trường đã thực hiện chu kỳ 2 kiểm địnhchất lượng đơn vị đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN (tháng 11/2013) và trở thành trường đầu tiên trong ĐHQGHN đạt chuẩn chất lượng đơn vị đào tạo theo định hướng chuẩn AUN. Hai chương trình cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật và cử nhân ngành Cơ học kỹ thuật cũng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn kiểm định của ĐHQGHN, theo kế hoạch sẽ đánh giá ngoài vào tháng 11/2014. Nhà trường triển khai lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về chất lượng giảng dạy và giảng viên môn học; lấy ý kiến đánh giá về sự hài lòng của giảng viên và sinh viên đối với cán bộ hành chính, phục vụ trong trường.
6. Phát triển môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn
Để thực hiện một cách thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong đào tạo và nghiên cứu, thực hiện sứ mệnh của Nhà trường, đạt được những mục tiêu mà Nhà nước, ĐHQGHN và tập thể đông đảo cán bộ giảng viên trong trường kỳ vọng, việc xây dựng một môi trường sống, làm việc, học tập và nghiên cứu phù hợp là một giải pháp có tính chất quyết định. Nhận thức chủ đạo cho việc lãnh đạo Nhà trường giai đoạn này là tiếp tục tư tưởng của các Hiệu trưởng tiền nhiệm đã được thể hiện trong ”Kế hoạch Chiến lược Xây dựng và Phát triển Trường ĐHCN đến năm 2010, Tầm nhìn đến năm 2015” ban hành năm 2007 là Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ viên chức, công chức; xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu khoa học giàu tính nhân văn; xây dựng ý thức tự hào và trách nhiệm, tinh thần đoàn kết nhất trí của cán bộ và sinh viên đối với sự nghiệp phát triển Trường ĐHCN. Đại hội Đảng bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2010-2015, đã cụ thể hóa tư tưởng này bằng một trong năm mục tiêu cho các hoạt động xây dựng và phát triển Nhà trường là Phát triển tại Trường ĐHCN môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn và đề ra nhiệm vụ của Đảng ủy Nhà trường là: ”Chỉ đạo xây dựng môi trường làm việc, giảng dạy, học tập và nghiên cứu đặc trưng của Trường ĐHCN là: trí tuệ, năng động, hiệu quả và giàu tính nhân văn. Nhà trường trở thành địa chỉ hấp dẫn, tin cậy thu hút cán bộ có trình độ cao về làm việc” và đã khẳng định ”Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn thể hiện ở tính thân thiện, đầy tình đoàn kết, thương yêu, tôn trọng, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển năng động và bền vững của Nhà trường phải là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới này. Mỗi đảng viên trong toàn đảng bộ, nhất là các đồng chí làm công tác lãnh đạo ở các cấp trong trường phải thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản về tổ chức kỷ luật đảng, tính tập trung dân chủ,tính gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động cùng tạo nên động lực mạnh mẽ cho cả tập thể Nhà trường phấn đấu vươn lên, hoàn thành sứ mệnh cao cả của Trường ĐHCN”.  
Quán triệt tư tưởng chủ đạo đó, lãnh đạo Nhà trường đã phát huy trí tuệ tập thể của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các nhà giáo lão thành có nhiều tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Trường ĐHCN, xây dựng định hướng thống nhất cho mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường với khẩu hiệu ”Sáng tạo, Tiên phong, Chất lượng cao” trong các hoạt động của Nhà trường. Chúng ta đã thống nhất đổi tên giao dịch Tiếng Anh của Trường ĐHCN từ ”College of Technology” thành ”University of Engineering and Technology” khẳng định hướng phát triển về kỹ nghệ và công nghệ, đồng thời khẳng định phương châm hành động và tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp với định hướng trên. Kế hoạch Chiến lược Phát triển Nhà trường đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng và hoàn thiện theo tinh thần đó.
Nhất quán và kiên định mục tiêu trên, Nhà trường đã triển khai các hoạt động một cách đồng bộ, mà trong đó công tác cán bộ đóng vai trò cốt tử. Đây là mảng công tác gặp nhiều khó khăn nhất của giai đoạn này. Do đội ngũ cán bộ của toàn trường chủ yếu là trẻ tuổi, tuổi đời trung bình 39,25 (73% dưới 40 tuổi) với thâm niên công tác trung bình trong ngành giáo dục là 11,07 năm (85% dưới 15 năm), tuy có chuyên môn được đào tạo tốt ở nước ngoài nhưng còn thiếu kinh nghiệm và thiếu sự từng trải thực tế đào tạo và nghiên cứu ở trong nước nên việc lựa chọn, bổ nhiệm để đào tạo các cán bộ vào các chức vụ quản lý, lãnh đạo phù hợp là một quá trình không ngắn và không đơn giản. Vì những lý do như đã nêu ở trên nên chỉ đến năm cuối nhiệm kỳ, đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các đơn vị, nhất là các phòng chức năng mới tạm được coi là hoàn thiện và ổn định. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp Bộ môn đến cấp Trường trẻ hóa nhanh, độ tuổi trung bình là 43,44 trong đó 62% dưới 40 tuổi đã thể hiện nhiều ưu điểm song còn bộc lộ những hạn chế như thiếu bài bản, thiếu kinh nghiệm.
Cũng trong bối cảnh như vậy, công tác tư tưởng chính trị, việc xây dựng và duy trì khối đoàn kết nhất trí, sự đồng thuận và tình trạng ổn định cả về tổ chức lẫn về tư tưởng không chỉ của các cán bộ quản lý, lãnh đạo mà nhất là của toàn bộ tập thể cán bộ viên chức Nhà trường đã được quan tâm song vẫn gặp nhiều khó khăn và đạt hiệu quả chưa cao. Đảng ủy đã chú trọng quan tâm nhiều đến việc trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong trường (Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Công đoàn, Hội Sinh viên, Hội Cựu Giáo chức, Hội Cựu Chiến binh và các hội nghề nghiệp). Các tổ chức đoàn thể trong trường được tạo các điều kiện thuận lợi trong hoạt động, thực sự đã phát huy tốt vai trò của mình, đạt nhiều thành tích tốt đẹp, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn của Nhà trường, nhất là về mặt tinh thần.
Mặc dù có nhiều khó khăn và biến động về kinh tế ở trong nước cũng như quốc tế, tác động không nhỏ đến các mặt hoạt động, nhưng từ các hoạt động chuyên môn của mình, với các chính sách phân phối hợp lý và công bằng trên cơ sở một quy chế chi tiêu nội bộ được soạn thảo kỹ càng và nghiêm túc, Nhà trường vẫn đảm bảo được cho cán bộ giảng viên nguồn thu nhập khá ổn định, có tăng trưởng hằng năm tuy không lớn để có cuộc sống vật chất ổn định, an tâm với công việc tại trường.
Nhìn tổng thể, Trường ĐHCN hiện là một tập thể năng động, giàu tính sáng tạo, đoàn kết, tâm huyết cùng hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành một đơn vị đào tạo đại học có đẳng cấp cao trong cộng đồng ĐHQGHN nói riêng và trong cộng đồng giáo dục đại học nước nhà nói chung. Trong giai đoạn 2009-2014, cho dù gặp rất nhiều khó khăn về công tác cán bộ, Trường ĐHCN vẫn luôn luôn là một địa chỉ hấp dẫn thu hút được nhiều cán bộ trẻ có trình độ tiến sĩ về công tác.   
Đánh giá chung: Sau 10 năm thành lập, Trường ĐHCN đã đạt được nhiều thành tựu, trưởng thành về mọi mặt, có đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; môi trường làm việc và học tập trong sáng, năng động và sáng tạo; môi trường nghiên cứu tích cực và hiện đại, đã khẳng định đượcchất lượng trong đào tạo, uy tín trong khoa họcvị thế trong hợp tác; là địa chỉ tin cậy của các cơ quan quản lý, các đối tác và người sử dụng lao động. Nhà trường có được các thành tựu như vậy ngoài sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ giảng viên trình độ cao, đội ngũ cán bộ quản lý được tôi luyện, còn nhờ cơ chế và sự ủng hộ của ĐHQGHN, sự hỗ trợ của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, sự hợp tác hiệu quả từ mô hình ”Trường – Viện – Doanh nghiệp” do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đặt nền móng. ”Đặc trưng bồi dưỡng nhân tài” trong hoạt động của Nhà trường tiếp tục được vun đắp và làm sâu sắc hơn.
Trước mắt chúng ta là tương lại rộng mở, bước sang một giai đoạn mới phát triển bền vững, đưa Trường ĐHCN tiếp cận nhanh với các chuẩn mực quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành trường đại học nghiên cứu tiên tiến; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát triển tại cơ sở mới tại Hòa Lạc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 44


Hôm nayHôm nay : 21617

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 372139

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8485504