Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Người sáng tác bài hát truyền thống cho Trường ĐH Công nghệ

Chủ nhật - 07/02/2016 20:22
Cựu sinh viên Đỗ Bá Đức (K48CA, Khoa Công nghệ thông tin) tốt nghiệp loại Giỏi tại Trường Đại học Công nghệ năm 2007, nguyên là Phó chủ tịch hội sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Chủ tịch hiệp hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ IX. Ngay từ năm thứ ba anh đã ký hợp đồng với một công ty Nhật và sang làm việc tại Tokyo sau khi ra trường
Cựu sinh viên Đỗ Bá Đức (K48CA, Khoa Công nghệ thông tin) tốt nghiệp loại Giỏi tại Trường Đại học Công nghệ năm 2007, nguyên là Phó chủ tịch hội sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Chủ tịch hiệp hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ IX. Ngay từ năm thứ ba anh đã ký hợp đồng với một công ty Nhật và sang làm việc tại Tokyo sau khi ra trường.
 
Sau ba năm tích luỹ kinh nghiệm, anh chuyển sang làm việc cho Rakuten - một tập đoàn lớn với thế mạnh chủ đạo là dịch vụ thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản. Đến nay, anh cùng gia đình đã sống và làm việc tại Nhật Bản được gần 8 năm, vị trí hiện tại của anh là quản lý nhóm phát triển ứng dụng thương mại điện tử trọng tâm của Rakuten trên nền tảng iOS.
Tại sao anh lại chọn Khoa Công nghệ, ĐHQGHN (hiện nay là Trường Đại học Công nghệ) sau khi tốt nghiệp cấp ba?
Ngay từ thời gian đầu vào lớp 10 chuyên Tin, Trường THPT Lam Sơn thì Khoa Công nghệ, ĐHQGHN đã là điểm nhắm đầu tiên của tôi, do được thầy chủ nhiệm và một số anh chị đi trước hướng dẫn. Bố mẹ tôi cũng là giáo viên nên thường đặt ra cho tôi những mục tiêu học tập khá cao. Từ khi bắt đầu học chuyên tôi đã được định hướng để dự thi học sinh giỏi quốc gia dành cơ hội được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ. Thời điểm đó, tôi được biết Khoa Công nghệ tập hợp nhiều anh tài đã đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, hơn nữa điểm chuẩn cũng cao so với các trường cùng khối, ngành. Mặc dù đã cố gắng tập trung toàn bộ sức lực cho kỳ thi học sinh giỏi tin học quốc gia, tôi đã không dành được giải cao nên buộc phải chuyển qua ôn thi gấp gáp trong ba tháng còn lại (vì thời gian trước đã dành tập trung thi quốc gia). Dù vậy, Khoa Công nghệ vẫn là mục tiêu tôi nhắm đến, và kết quả là tôi vẫn đỗ vào Khoa với số điểm vừa đủ để vào lớp chất lượng cao ngành công nghệ thông tin.
Sau những ngày tháng học tập, bản thân anh đã có sự thay đổi và trưởng thành như thế nào?
Những ngày tháng học tập tại trường, là khoảng thời gian đầy niềm vui và nhiều kỷ niệm đối với tôi. Có thể nói, tôi tìm được nguồn cảm hứng để học tập tốt hơn cũng là nhờ tích cực tham gia phong trào đoàn thể, đặc biệt là các hoạt động văn hoá văn nghệ. Ngay khi vào trường tôi đã chủ động xin tham gia các sự kiện do đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức. Nhờ sự dẫn dắt và hỗ trợ nhiệt tình của các anh chị khóa trước và cán bộ Nhà trường như anh Nguyễn Lê Hoàng, chị Trần Thị Cẩm Lệ, anh Phạm Duy Hưng, tôi có thêm tự tin để thử sức mình trong công tác tổ chức sự kiện, vận hành câu lạc bộ, v.v… Chính vì đam mê và gắn bó sâu sắc với các hoạt động sinh viên, không phải ngẫu nhiên mà một trong những ca khúc đầu tiên tôi tập sáng tác chính là viết về Trường, và một trong số đó đã may mắn được lựa chọn làm bài hát truyền thống của Trường.
Mặc dù mọi người luôn nghĩ tham gia đoàn thì không có thời gian chú tâm vào học tập, nhưng sau mỗi lần tham dự các sự kiện có ý nghĩa, tôi lại thấy có thêm hứng thú để học tập chăm chỉ hơn. Bản thân tôi sớm ý thức được rằng môi trường học có vui vẻ thì mới khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú học tập, từ đó đạt kết quả tốt. Sau này đi làm tôi càng nhận thấy việc trau dồi kỹ năng mềm qua quá trình hoạt động đoàn thể có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân mình như thế nào.
Theo anh bước đệm để anh được sang Nhật Bản làm việc như hiện nay là khi nào?
Năm 2004, công ty phần mềm AXISSOFT - Nhật Bản đã liên hệ với nhà trường nhằm tìm kiếm những sinh viên có đủ điều kiện để cấp học bổng tiếng Nhật. Điểm thú vị của học bổng này là hoàn toàn không có ràng buộc hay hứa hẹn gì sau khi ra trường. Qua sự giới thiệu của Nhà trường, 10 sinh viên trong đó có tôi đã được nhận học bổng tiếng Nhật AXISSOFT trong vòng 2 năm.
Sau một năm học tiếng Nhật, tôi có may mắn được trường Đại học công nghệ Tokyo lựa chọn sang Nhật giao lưu và làm truyền hình internet cùng sinh viên của họ ở triển lãm công nghệ CEATEC Japan 2005, ê kíp truyền hình của VTV1 cũng đi cùng tôi và đưa tin về sự kiện này. Sau đó tôi tiếp tục giới thiệu và hỗ trợ sinh viên trường ta sang tham dự CEATEC Japan các năm tiếp theo 2006, 2007.
Trong thời gian làm việc ở sự kiện CEATEC Japan, tình cờ tôi gặp lại vị giám đốc công ty AXISSOFT người đã phỏng vấn và trao cho tôi học bổng tiếng Nhật trước đây. Cả hai đều nghĩ đã có duyên gặp gỡ thì tại sao không tiếp tục hợp tác? Vào khoảng thời gian đó, vị giám đốc này vừa thành lập công ty mới tên là HOWS, nên ông đã vui vẻ mời tôi đến thăm quan. Trước khi về ông có đề nghị tôi suy nghĩ về khả năng sang làm việc cho công ty này. Lúc bấy giờ tôi mới học năm thứ ba tại Trường. Khác với sinh viên năm thứ ba ở Nhật (ai cũng đã bắt đầu đi xin việc và thường được tuyển trước một năm trước khi ra trường), định hướng việc làm sau khi ra trường của tôi là tương đối mờ nhạt. Sau khi về Việt Nam tôi nhận được hợp đồng tuyển dụng của công ty HOWS. Tôi đã không mấy do dự, đồng ý ký vào bản hợp đồng đó năm 2006. Đến năm 2007, ngay sau khi tốt nghiệp Trường ĐHCN tôi đã sang Nhật làm việc tại công ty này trong ba năm đầu tiên.
Những ngày đầu sang Nhật, anh gặp những khó khăn như thế nào?
Về phía công việc tôi luôn cảm thấy tự tin và hoàn thành được mọi công việc vào ngày đầu tiên. Cho đến tận bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận vì mình đã chọn Trường ĐHCN để theo học. Những kiến thức quý được trang bị ở Nhà trường là nền tảng rất tốt để tôi có thể bắt kịp nhanh với công việc về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên môi trường sống và văn hoá làm việc ở Nhật Bản khác hoàn toàn với Việt Nam nên tôi đã phải cố gắng rất nhiều để thích nghi.
Điều khó khăn nhất với tôi trong suốt ba năm đầu là học tiếng Nhật mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước, vì đây là ngôn ngữ có bộ chữ đa dạng và ngữ pháp tương đối khó đối với một sinh viên công nghệ như tôi. Bên cạnh đó, do chưa có sự chuẩn bị tốt về tinh thần và vốn kiến thức về văn hóa công sở cũng như nguyên tắc làm việc với khách hàng ở Nhật Bản, tôi đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian để tìm ra cách làm việc phù hợp. Ngày ấy tôi mới ra trường nên đầy ắp những dự định phấn đấu để chứng tỏ bản thân. Tôi nghĩ đơn giản Nhật Bản cũng như Việt Nam, ai chứng minh được năng lực thì người ấy sẽ được đánh giá cao hơn. Do đó tôi luôn cố gắng bộc lộ hết khả năng của mình, nhưng nào ngờ chính sự tự tin đó đã làm tôi va vấp không ít lần bởi lẽ một công ty thuần Nhật như công ty tôi thời ấy  thường đề cao kinh nghiệm của người đi trước hơn là những sáng tạo không được kiểm chứng của những người trẻ tuổi. Tôi đã trải nghiệm sốc văn hóa và phải đến năm thứ ba tôi mới trở nên vững vàng hơn với vốn kinh nghiệm tương đối về cả ngôn ngữ lẫn tác phong làm việc.
Qua trải nghiệm của bản thân, tôi tin rằng những sinh viên có ý định sang Nhật làm việc hay mới đặt chân đến đất Nhật nếu muốn hoà nhập nhanh hơn và phát triển thuận lợi hơn thì nên tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện nhiều hơn với những người đi trước để học hỏi kinh nghiệm và xin lời khuyên.
Những thầy cô nào đã giúp anh có thêm kinh nghiệm và nỗ lực cố gắng để có được ngày hôm nay?
Các thầy cô trong Trường đều là những người có tâm huyết và nhiệt tình với sinh viên. Tuy nhiên, đối với tôi thầy Nguyễn Việt Hà, thầy Hà Quang Thụy... là những người thầy qua những câu chuyện kể về Nhật đã làm tôi có thêm nhiều ấn tượng đẹp về quốc gia này khi còn chưa sang Nhật làm việc. Và hơn thế nữa, để những ngày tháng làm việc tại Nhật Bản khi nghĩ đến lời khuyên nhủ của các thầy, tôi có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu.
Thầy Nguyễn Việt Hà - người hướng dẫn khóa luận cho tôi là một trong những tấm gương cho tất cả những người trong lớp học bổng tiếng Nhật của tôi noi theo. Từ khi công ty AXISSOFT sang liên hệ cho tới khi 10 sinh viên của Trường được trao học bổng tiếng Nhật, chính thầy Hà là người đại diện cho trường phiên dịch nội dung làm việc, đồng thời khuyên nhủ chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều rất ấn tượng không chỉ vì quá trình học tập và nghiên cứu của thầy ở Nhật, mà còn vì cách nói chuyện tiếng Nhật vô cùng trôi chảy,  mạch lạc và bình thản. Tôi và các bạn cùng lớp học bổng  nói chuyện với nhau thường hay nhắc đến thầy, động viên nhau học tốt để sau này có được những bước đi vững chãi như thầy.
Sau khi sang Nhật, anh có thường xuyên liên hệ với các thầy cô và sinh viên nhà trường không?
Sau khi sang làm việc tại Nhật, ngoài những người bạn cùng khoá, cùng lớp có sang làm việc ngắn hạn hay dài hạn ở Nhật, tôi thường gặp mặt và giao lưu với nhiều anh chị em đã học tại Trường ĐHCN và đang nghiên cứu, học tập tại Tokyo. Tôi thường xuyên vào diễn đàn Fotech, đôi khi gửi thông tin tuyển dụng từ các công ty tôi biết. Một anh bạn trên tôi một khoá thông qua ứng tuyển vào vị trí mà tôi chuyển về trường, đã sang Nhật làm cùng công ty với tôi một thời gian.
Trong thời gian tới, anh có nhắn nhủ với thầy cô, sinh viên Nhà trường và dự định tương lai của anh như thế nào?
Tôi hy vọng trong tương lai, tôi hy vọng có nhiều dịp giới thiệu các công ty quen biết về hợp tác với Trường giống như một số doanh nghiệp đang làm việc với Nhà trường hiện nay theo hình thức nhận sinh viên thực tập, đào tạo kỹ năng cho sinh viên, tổ chức các buổi nói chuyện giao lưu công nghệ, giới thiệu việc làm, v.v…
Tôi tin rằng các thầy cô của Nhà trường luôn tâm huyết với sự nghiệp giảng dạy, nhiệt tình truyền thụ các kinh nghiệm nghiên cứu, thực tiễn cho học trò. Thiết nghĩ trong môi trường được tạo điều kiện tối đa để học tập và phát triển bản thân tốt như trường ta, các bạn sinh viên hãy cảm thấy may mắn với những gì mình đang có, từ đó nỗ lực không ngừng và vươn đến những mục tiêu cao hơn xa hơn. Bên cạnh đó, tôi hy vọng các bạn sinh viên chú ý dành thời gian tìm hiểu các anh chị cựu sinh viên đang làm những gì và đã làm như thế nào để đạt được thành công như hiện nay, bởi lẽ lắng nghe những những bài học thành công từ người đi trước là điều vô cùng quý giá.
Theo Tuyết Nga (số 290 - Tạp chí VNU)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 55


Hôm nayHôm nay : 11448

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 259617

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8793686