Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thủy điện Mê Kông - Kinh nghiệm nghiên cứu châu thổ”

Thứ tư - 18/05/2016 09:41

Ngày 26/4/2016, tại Cơ sở 1 của Trường ĐH Tiền Giang, Viện Sinh thái học miền Nam đã tổ chức Hội thảo “Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thủy điện Mê Kông - Kinh nghiệm nghiên cứu châu thổ” cho 200 viên chức và sinh viên tham dự.

 


Sinh viên tham dự Hội thảo

Hội thảo nhằm mục đích trình bày các kết quả nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sinh thái học miền Nam đã thực hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định: “Đồng bằng sông Cửu Long được thiết kế với “3 túi nước điều hòa như ba trái tim” gồm: Biển Hồ ở Campuchia (rộng 300.000 ha); vùng Tứ giác Long Xuyên (590.000 ha); vùng Đồng Tháp Mười (700.000 ha). Hằng năm, khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ làm hồ rộng ra từ 5 - 6 lần và chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu từ 3 - 4 m. Chính 3 túi nước này điều hòa cho đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng ngày nay, do biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người đã làm cho chúng “biến dạng”, mùa lũ hung hãn hơn, mùa khô bị hạn và mặn tấn công”.

Thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều tác động tiêu cực từ những trở ngại của thiên nhiên như hiện tượng xâm nhập mặn ngay cả vào mùa mưa, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước sinh hoạt và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển. Vấn đề này không chỉ từ yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mà còn do sự sụt giảm ngày càng nghiêm trọng lượng nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông, phần lớn từ hệ quả của các công trình thủy điện đang hoạt động ở vùng thượng lưu.

 


Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện báo cáo tại Hội thảo

Từ năm 1994, kế hoạch xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện của những quốc gia hạ lưu sông Mê Kông trong bối cảnh ý thức và các khái niệm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong lưu vực chưa được định hình, từ đó đã làm cho Việt Nam - một quốc gia nằm ở cuối nguồn, quan ngại về những hệ lụy của các công trình này. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học và cả cộng đồng, việc tiến hành xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã gây ra những hệ quả tổn thất lâu dài, không thể phục hồi đối với vùng đồng bằng ngập lũ, môi trường thủy sinh, tác động tiêu cực đến điều kiện sống của hàng triệu người dân vùng châu thổ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm: đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang đối diện với ba nguy cơ lớn là biến đổi khí hậu, sai lầm trong phát triển và nguy cơ từ đập thủy điện. Trong đó, đối với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo dự báo, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba khu vực bị tổn thương nhiều nhất. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là quá trình diễn ra dần dần, chúng ta còn có thời gian và cơ hội để thích nghi. Thậm chí chúng ta còn có thể lợi dụng mặt tích cực của nước mặn để chuyển đổi hệ thống canh tác. Các sai lầm trong phát triển nội tại như ô nhiễm môi trường, phát triển lúa vụ ba làm tăng ngập ở nơi khác, tăng xâm nhập mặn trong mùa khô, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu,… chúng ta cũng hoàn toàn có thời gian và điều kiện để sửa đổi. Tuy nhiên, nếu các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông được quyết định xây dựng sẽ là một lớp rủi ro nữa áp lên hai lớp kia và sẽ là những tác động vĩnh viễn, nghiêm trọng. Nó sẽ làm cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đã công bố kết quả công trình nghiên cứu “Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thủy điện Mê Kông - Kinh nghiệm nghiên cứu châu thổ” cho thấy việc các nước thượng nguồn xây thủy điện đã tác động đến lĩnh vực nông nghiệp và vấn đề sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông Mê Kông. Theo đó, tổng lượng phù sa, bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% ở khu vực Tân Châu - Châu Đốc (tỉnh An Giang) và giảm dần ở những vị trí xa dòng chính. Điều này kéo theo sự giảm sút năng suất sinh học, sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển. Về lĩnh vực thủy sản, tuyến di cư của các loài di cư xa (cá trắng) chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất sẽ bị cản trở. Các đập thủy điện cũng sẽ cản trở sự di chuyển lên thượng lưu và xuống hạ lưu của tất cả các loài cá, sinh vật thủy sinh di cư khác.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, mặn xâm nhập sớm và sâu sẽ không còn là điều bất thường và ngày càng diễn biến xấu đi nếu 11 công trình thủy điện sẽ tiếp tục triển khai xây dựng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp của nước ta, đặc biệt là vùng nông nghiệp trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đang phải chật vật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê sông, đê biển trong điều kiện nguồn lực rất hạn hẹp để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu.

Chính phủ Việt Nam đã đầu tư nguồn vốn cho các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, đạt tiêu chuẩn quốc tế những tác động của 11 công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực Mê Kông không chỉ với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam mà còn cho cả vùng châu thổ Mê Kông và vùng Biển Hồ Tonle Sáp (Campuchia). Đó cũng là những mong mỏi của cả cộng đồng khu vực sông Mê Kông và của các nhà khoa học với mong muốn phát triển thủy điện theo hướng phù hợp, hài hòa hơn.

Ông Nguyễn Hữu Thiện thừa nhận: Hiện nay, các nhà đầu tư có đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tác động về phù sa, thủy sản, tuy nhiên tất cả các giải pháp này chỉ mang tính lý thuyết và chưa được chứng minh trong bối cảnh một dòng sông lớn ở vùng nhiệt đới, có đa dạng sinh học và tải lượng phù sa lớn như sông Mê Kông. Dòng sông Mê Kông là tài sản quá lớn, quyết định đời sống của mấy chục triệu người sống dựa vào đó. Vì vậy, việc ra một quyết định để thay đổi dòng sông một cách vĩnh viễn như xây đập trên dòng chính cần phải suy tính hết sức cẩn trọng.

VĨNH SƠN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 56


Hôm nayHôm nay : 20874

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 368287

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8481652