Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

“HƯỚNG TỚI NGÀY KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM 18/5”

Chủ nhật - 21/02/2016 21:10
Nhân Ngày KH&CN Việt Nam sắp được công bố, chúng tôi phỏng vấn Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ.
1. Thưa thầy Hiệu trưởng, Năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật KH&CN sửa đổi với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 mà trong đó có nội dung lấy Ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam hằng năm! Như vậy, Ngày 18/5 sắp tới sẽ là Ngày KH&CN đầu tiên của Việt Nam được tổ chức kỷ niệm trên cả nước. Xin thầy Hiệu trưởng chia sẻ một số suy nghĩ về Ngày KH&CN Việt Nam và các hoạt động của Nhà trường nhân dịp này!
Một đất nước chỉ có thể tồn tại bền vững là một quốc gia độc lập, tự chủ, phát triển và phát triển bền vững khi có một nền khoa học phát triển vững mạnh, trong đó khoa học cơ bản, cả khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ lẫn khoa học xã hội và khoa học nhân văn đóng vai trò nền tảng. Một nền khoa học quốc gia phát triển phải luôn tiếp cận, cập nhật được và tham gia trực tiếp vào việc phát triển các tri thức khoa học cao nhất của thời đại, và như vậy phải có hoạt động nghiên cứu tích cực trên mọi lĩnh vực của khoa học.
Đảng ta đã luôn chú trọng đến vai trò then chốt của khoa học trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với nhiều nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị và BCH Trung ương về KH&CN. Vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật KH&CN, trong đó quy định lấy ngày 18/5 hằng năm làm Ngày KH&CN Việt Nam.
Chúng ta cần biết rằng, tất cả các nước như Anh, Canada, Đức, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc... đều tổ chức "Ngày Khoa học" hay "Tuần lễ Khoa học" quốc gia với tinh thần làm cho khoa học và các hoạt động khoa học là mối quan tâm của toàn thể dân chúng, thu hút sự tham gia tích cực của dân chúng vào sự nghiệp phát triển khoa học. Ở Mỹ, nhiều trường đại học còn tổ chức những ngày hay tuần lễ riêng để quảng bá, giới thiệu về một ngành hay một sự kiện khoa học đặc biệt nào đó, cần thu hút được sự quan tâm và tham gia hỗ trợ, đóng góp phát triển của cộng đồng.
Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức sẽ không chỉ nhằm tôn vinh các nhà hoạt động KH&CN, mà còn nhằm quảng bá mạnh mẽ vai trò, ý nghĩa của KH&CN, giới thiệu, phổ biến những thành quả của hoạt động KH&CN tức là các sản phẩm, công nghệ mới, tri thức mới, ứng dụng mới mà các hoạt động này mang lại tới đông đảo người dân, để cộng đồng dân chúng nhận diện được trách nhiệm của các nhà KH&CN trước xã hội. Các hoạt động tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam cũng sẽ thể hiện sự quan tâm của toàn dân đến hoạt động KH&CN. Các hoạt động cộng đồng trong Ngày KH&CN quốc gia sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng sâu sắc hơn, sự ủng hộ và trực tiếp tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là của tầng lớp thanh niên trẻ tuổi năng động có tài năng và nhiệt huyết với hoạt động KH&CN, nhất là với các ngành khoa học cơ bản, nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học xứng tầm với sự phát triển của đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế tất yếu, ngày càng mạnh mẽ hơn và thành công hơn của đất nước.
Một điểm đặc biệt là từ rất nhiều năm nay, các trường đại học hàng đầu của chúng ta chỉ tuyển được rất ít sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản như Toán, Vật lý, Sinh học... với điểm chuẩn đầu vào chỉ ở mức trung bình (17-20/30 điểm). Trong vài năm gần đây lại còn có những thông tin đáng lo ngại như: số thí sinh đạt điểm 0 môn Sử học trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia lên tới hàng nghìn, hoặc có rất ít thí sinh quan tâm đăng ký dự thi theo học đại học ngành Sử học và Văn học trong cả nước. Và gần đây nhất, khi Bộ GD&ĐT công bố cho phép tự chọn môn Sử học làm một trong số các môn thi tốt nghiệp PTTH thì chỉ có một số rất ít học sinh, thậm chí có trường THPT không có học sinh nào đăng ký dự thi v.v… Tất cả những điều này làm cho chúng ta phải cảm thấy lo ngại về tương lai và triển vọng của KH&CN, nhất là của các ngành khoa học cơ bản. Với tình trạng như vậy thì làm sao chúng ta có thể phát triển được các ngành khoa học cơ bản có tầm quan trọng cốt tử đối với đời sống xã hội, văn hóa của cộng đồng dân tộc, cộng đồng quốc gia như Sử học và Văn học, Ngôn ngữ học v.v... và đó cũng là nỗi băn khoăn đối với tất cả những ngành khoa học cơ bản khác với vai trò là nền móng cho sự phát triển công nghệ, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, chính trị của đất nước
.
Với nhận thức như vậy, chúng ta phải rất phấn khởi, tự hào và tích cực tham gia vào việc làm cho Ngày KH&CN Việt Nam đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển chung. Mong rằng từng bước Ngày KH&CN Việt Nam sẽ thổi vào cộng đồng toàn quốc luồng gió mới khơi dậy niềm quan tâm, hứng khởi, lòng say mê tìm tòi, nghiên cứu để làm cho hoạt động khoa học nước nhà vươn lên tầm cao mới, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành công của đất nước.
Năm 2013, Bộ KH&CN đã tổ chức các hoạt động Truyền thông KH&CN tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong các ngày 26-27/9/2013 như một hoạt động khởi đầu để dẫn đến việc quyết định có Ngày KH&CN Việt Nam như năm nay và sự kiện đó vì thế là một sự kiện đáng được đánh giá cao. Bài học rút ra từ việc tổ chức sự kiện năm ngoái cần được đưa vào khai thác để việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam năm 2014 thành công và có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nên gọi lại tên Ngày KH&CN Việt Nam thành Ngày Khoa học Việt Nam vì như thế nó sẽ là thông điệp tổng quát hơn, rõ ràng hơn đến công chúng rằng chúng ta coi trọng tất cả các ngành khoa học, không tạo ra cảm giác nhầm lẫn là chỉ có KHCN (Ví dụ: Nhật Bản chủ trương tổ chức riêng biệt “Ngày Khoa học” - dự kiến 05/6 hằng năm và “Ngày Công nghệ” - dự kiến 06/5 hằng năm). Và tất nhiên chỉ tổ chức các lễ mít tinh kỷ niệm và chào mừng và tôn vinh các nhà KH&CN không thôi thì chắc chắn là sẽ thiếu đi cái ý nghĩa và mục tiêu trọng đại của sự kiện "Ngày Khoa học", đó là nhằm làm cho người dân và nhất là các tầng lớp thanh thiếu niên, thế hệ trẻ quan tâm tới khoa học, hưởng ứng, ủng hộ các hoạt động khoa học, thu hút họ vào học tập, đào tạo, nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực khoa học, nhất là khoa học cơ bản để qua đó mà phát triển khoa học, phát triển ảnh hưởng của khoa học trong đời sống xã hội. Như vậy cần phải tổ chức rất nhiều hình thức hoạt động, nhiều sự kiện đa dạng, phong phú và thiết thực, kể cả những sinh hoạt học thuật tại các cơ quan khoa học, mở rộng cho sự tham gia của công chúng trong ngày này, chứ không chỉ là các lễ kỷ niệm chúc mừng thông thường tới các nhà khoa học và người làm khoa học.
Năm nay, nhân Ngày KH&CN VN đầu tiên được tổ chức trong cả nước, Nhà trường chúng ta sẽ tổ chức “Tuần lễ Khoa học và Công nghệ của Trường ĐHCN”, từ 12-18/5/2014, theo hoạt động chung của ĐHQGHN với đỉnh điểm là mở cửa tất cả các PTN và triển lãm sản phẩm KHCN vào ngày 17/5/2014, chi tiết có thể xem tại http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C2107/N16130/Ke-hoach-to-chuc-Ngay-Khoa-hoc-Cong-nghe-Viet-Nam.htm
Trong khuôn khổ các hoạt động chung do ĐHQG Hà Nội tổ chức, Trường ĐHCN chúng ta sẽ tổ chức trưng bày tại tiền sảnh Nhà trường Nhà E3 các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đào tạo về KH&CN cho SV các bậc đào tạo và cũng sẵn sàng mở rộng cửa tiếp đón người quan tâm từ ngoài trường tới thăm quan, tìm hiểu, trao đổi ý tưởng hợp tác và quảng bá các sản phẩm và hoạt động này và sẽ tổ chức thuyết trình giới thiệu quảng bá Ngày KH&CN VN cũng như về hoạt động nghiên cứu KH&CN của trường. Khách từ các cơ quan tổ chức ngoài trường, kể cả học sinh các trường phổ thông các cấp, sinh viên các trường khác có thể thăm quan Phòng thí nghiệm PTN Công nghệ Micrô – Nanô, PTN Thiết kế Chip (Các Hệ Tích hợp thông minh, SIS), Trung tâm Máy tính với các phương tiện phục vụ e-learning của Trường ĐH Công nghệ và nhiều PTN khác của các đơn vị trong ĐHQGHN. Tại đây khách thăm quan cũng được giới thiệu trao đổi về các sản phẩm KH&CN do các giảng viên và sinh viên Nhà trường phát triển như: hệ đo các thông số bệnh nhân từ xa, cảm biến đo từ trường và đo góc định vị với độ nhậy cao, khối tổ hợp công suất phát 8 đườngtín hiệu dùng cho máy phát tín hiệu nhận biết mã chủ quyền quốc gia, Bộ mã hoá tín hiệu video theo chuẩn tiên tiến H.264/AVC v.v…
Cán bộ, giảng viên và người học trong trường hãy cùng các bạn trẻ, các độc giả và những người quan tâm từ các cơ quan, tổ chức, trường học bên ngoài quan tâm đến tham gia các hoạt động nói trên với Nhà trường.
2.Xin thầy chia sẻ thêm một số nét chính về Trường Đại học Công nghệ, đặc biệt là các hoạt động và thành tựu nghiên cứu của trường hiện nay?
Trường ĐHCN chúng ta được giao nhiệm vụ triển khai đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng trên các lĩnh vực mũi nhọn trong các lính vực KHCN theo bốn khoa CNTT, ĐT-VT, VLKT&CNNN và CHKT&TĐH. Hiện tại Trường ĐHCN chúng ta đã xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu rất mạnh với trên 74% có học vị TS và trên 25% có học hàm PGS, GS. Đồng thời chúng ta đang có một số lượng không nhỏ các giảng viên kiêm nhiệm gồm các nhà khoa học hàng đầu là các GS, PGS, TSKH và TS đang có hoạt động nghiên cứu tích cực và thành công tại các viện nghiên cứu chuyên ngành của VHLKH&CN VN và một số viện nghiên cứu chuyên ngành từ các bộ, ngành khác.
Nhà trường chúng ta đã được đầu tư xây dựng và hiện đang khai thác tốt hai PTN trọng điểm cấp ĐHQGHN là PTN Công nghệ Micro-Nano và PTN Các Hệ Tích hợp Thông minh (SIS) cùng một số PTN chuyên đề khác. Hiện nay trường ta đang xây dựng và triển khai Trung tâm, PTN Tích hợp Công nghệ về Giám sát Hiện trường v.v… Các lĩnh vực nghiên cứu về Vật liệu và Linh kiện Micro-Nano từ tính và bán dẫn; về Thiết kế Điện tử và Vi mạch Tích hợp; Tin Sinh học, Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên, An toàn Thông tin, Các hệ thống điều khiển tự động, Hệ thống dẫn đường, Các hệ thống xử lý tín hiệu số công suất cao, tần số siêu cao v.v… đang có nhiều kết quả nghiên cứu với chỉ số ảnh hưởng cao, cả về sản phẩm công nghệ trực tiếp lẫn các công trình khoa học đã công bố. Chỉ riêng chỉ số kinh phí nghiên cứu cho các đề tài nhiệm vụ KHCN mà giảng viên của Nhà trường thu hút được (với trên 80% nguồn kinh phí từ ngoài ĐHQGHN), tính bình quân hằng năm đã đạt gần 90 triệu đồng cho một giảng viên trong suốt giai đoạn 4 năm vừa qua, từ 2009 đến 2013. Đây là những thành quả thể hiện sự cố gắng cao của các nhà khoa học và giảng viên và cũng cho thấy năng lực nghiên cứu của Nhà trường được thừa nhận trong cộng đồng KH&CN quốc gia như thế nào.
Trường ĐHCN chúng ta ngay từ khi chuẩn bị thành lập, còn hoạt động là một khoa trực thuộc của ĐHQGHN và cho đến nay đã xác định và luôn luôn củng cố vững chắc cho mình một tầm nhìn là: “Trên nền tảng khoa học cơ bản vững mạnh, lấy Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) làm trung tâm phát triển các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu được CNTT-TT hỗ trợ, tạo môi trường phát triển CNTT-TT” để xây dựng CNTT-TT làm thương hiệu cho hoạt động KH&CN của Nhà trường. Quá trình học tập nghiên cứu của sinh viên tất cả các bậc đào tạo tại trường chúng ta đều được tích hợp rất chặt chẽ với các hoạt động nghiên cứu KH&CN mà điều đó chúng ta cũng luôn cố gắng truyền tải đến cả học sinh PTTH trong cả nước qua các kỳ quảng bá tuyển sinh.
Tích hợp hoạt động nghiên cứu vào các hoạt động đào tạo kể cả ở bậc đại học; khuyến khích, nuôi dưỡng tinh thần hăng say nghiên cứu tìm tòi sáng tạo; trang bị và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiên cứu; chuẩn bị, xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu cho mọi đối tượng đào tạo; tạo điều kiện cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngay trong quá trình đào tạo được tham gia tích cực và đóng góp các kết quả cụ thể vào các hoạt động nghiên cứu KHCN. Đó là những thế mạnh của Trường ĐHCN và đó vừa là mục tiêu cũng vừa là phương tiện mà Nhà trường phấn đấu thực hiện để xây dựng môi trường nghiên cứu tích cực, môi trường đào tạo chuẩn mực chất lượng cao trong môi trường giáo dục đại học theo chuẩn mực quốc tế như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ hai năm 2010, cũng như Kế hoạch Chiến lược xây dựng và phát triển Trường ĐHCN đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định.
 
3.Luật Khoa học Công nghệ (sửa đổi) được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014 đã “cởi” được nhiều “nút thắt” quan trọng, trong đó đặc biệt phải kể đến là về cơ chế tài chính và chế độ trọng dụng nhân tài. Xin thầy cho biết cảm nhận từ Trường Đại họcCông nghệ đối với những nét mới đó của bộ luật mới được thông qua!
Để tháo gỡ những vướng mắc và “cởi” được nhiều “nút thắt”, Luật KHCN 2013 (sửa đổi) ra đời với cơ chế khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học, tạo thế chủ động và tự quyết cho các nhà khoa học. Luật đã tìm được sự dung hòa vừa thể hiện được tính linh hoạt của các nhà khoa học trong việc thực hiện chi tiêu vừa góp phần tăng khả năng kiểm soát của nhà quản lý tài chính trong việc bảo đảm chi đúng mục đích và tiết kiệm. Phương thức khoán cũng góp phần lược bớt những thủ tục hành chính rườm rà, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Đây có thể xem là một bước đi mới để hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, qua thực tế cũng cần có những chế tài phù hợp, sao cho có thể phát huy những điểm mạnh, hỗ trợ các nhà nghiên cứu chân chính, nhưng cũng phải ngăn ngừa được những nghiên cứu mang tính “lách luật” mà tác giả có thể lợi dụng cơ chế thoáng để thực hiện những việc làm phi khoa học… Chẳng hạn cần thiết lập những hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định kinh phí có đủ năng lực và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua các hội đồng này có thể kiểm soát và đảm bảo kết quả đầu ra cũng như các chi phí hợp lý.
ĐHQGHN đã chỉ đạo nhất quán cần gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu với hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ. Tất cả các đề tài với kinh phí được cấp trên 100 triệu đồng đều phải dành một tỷ lệ kinh phí nhất định chi cho nhân lực là các nghiên cứu sinh, các học viên cao học hay sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu mà giảng viên làm chủ trì đề tài. Đây là một kinh nghiệm tốt cần khai thác trong việc tổ chức các đề tài nghiên cứu.
Một vấn đề rất quan trọng theo tôi cần được đề cập ở đây là giải pháp phát triển hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học nói chung.
Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng, chức năng nhiệm vụ của các trường đại học theo chuẩn mực quốc tế phải là phát triển và truyền thụ tri thức đỉnh cao về khoa học. Điều đó có nghĩa các trường đại học phải là nơi nghiên cứu và phát hiện, phát triển các hiểu biết mới về các thực thể tự nhiên và xã hội nói chung, tức là trước hết chúng ta phải thực hiện những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu về khoa học cơ bản. Các nghiên cứu ứng dụng, phát triển sản phẩm KHCN tại các trường đại học được khuyến khích nhưng không nên coi là những nghiên cứu có tính bắt buộc cao. Từ hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu về khoa học cơ bản, các tri thức, hiểu biết mới thu được cũng như các phương pháp mới phát triển được sẽ được truyền tải trực tiếp đến các thế hệ khoa học kế tục. Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khoa học cơ bản cũng là các hoạt động khuyến khích và đảm bảo tự do hàn lâm, tự do học thuật cho các nhà khoa học, các giảng viên mà từ đó niềm đam mê tìm tòi phát hiện và sáng tạo cái mới được nuôi dưỡng, khuyến khích phát triển. Nhà nước vì thế cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu khoa học cơ bản tại các trường đại học để khuyến khích phát triển hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này, qua đó cũng góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đại học nói chung.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, trong hàng chục năm vừa qua, lực lượng học sinh giỏi từ các trường THPT thường bị thu hút tập trung vào đào tạo trong các ngành "nóng" như kế toán, tài chính, quản trị doanh nghiệp... cùng với một số ngành công nghệ thông tin, viễn thông mà đến nay chính số sinh viên tốt nghiệp ra trường ở các ngành này cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đầu tư ưu tiên, khuyến khích để thu hút được nhiều học sinh giỏi, có năng khiếu để đào tạo lực lượng cán bộ khoa học kế cận cho các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học cũng như các ngành khoa học tự nhiên khác và đặc biệt là các nganh khoa học nhân văn, xã hội như Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ, Triết học, Kinh tế học. Đây là những vấn đề cốt tử đối với việc phát triển khoa học nước nhà, nếu chậm trễ chúng ta có thể tiếp tục tụt hậu không chỉ so với thế giới mà ngay cả trong khu vực.
 
4.Xin thầy cho biết thêm về những chính sách cơ chế động viên, khuyến khích để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài KH&CN, để khuyến khích hoạt động nghiên cứu của chính Trường Đại học Công nghệ, ngoài việc áp dụng các chính sách chung của Nhà nước.  
Trong quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường, Trường ĐHCN đã thực thi những chính sách mạnh mẽ trong việc thu hút trọng dụng các tài năng trẻ. Trong những năm đầu thành lập khoa và trường, Nhà trường đã triển khai thực hiện chính sách tài trợ “thực tập sinh”, tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp hạng giỏi ở lại trường (hoặc thu hút cả các sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc ở các trường khác về trường) tham gia làm việc tại các PTN, thực hiện các đề tài nghiên cứu tại các nhóm nghiên cứu của các giảng viên có kinh nghiệm đồng thời được hỗ trợ học phí để theo học chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao trình độ. Nhiều sinh viên trong thời gian như vậy đã nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đến học tập và làm việc, nghiên cứu tại các PTN của các nhà khoa học từ các trường, viện đối tác của Nhà trường ở nước ngoài. Về sau Nhà trường đã triển khai một hình thức khác là tuyển dụng trực tiếp các sinh viên đạt danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp hằng năm, ký hợp đồng đào tạo “giảng viên tạo nguồn” với các sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc, hạng giỏi được giữ lại trường với chức năng nhiệm vụ như các “thực tập sinh” trước đây, tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, và khi có điều kiện họ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo Đề án 322 và hiện nay theo Đề án 911. Nhiều giảng viên của Nhà trường đã dùng một phần kinh phí của các đề tài nghiên cứu do họ chủ trì đóng góp tích cực vào việc nuôi dưỡng các cán bộ tạo nguồn này, góp phần tạo môi trường tốt cho họ vừa được đảm bảo đời sống ổn định, vừa học tâp, vừa tham gia rèn luyện kỹ năng nghiên cứu mà thực sự có những đóng góp tích cực trong cộng đồng Nhà trường.
Nhà trường cũng có những chính sách ưu tiên và khuyến khích phù hợp để thu hút các Tiến sĩ mới tốt nghiệp ở nước ngoài về làm việc nhờ các chính sách và cố gắng tạo dựng môi trường đào tạo chuẩn mực chất lượng cao, môi trường nghiên cứu tích cực, môi trường hợp tác trao đổi trong và ngoài nước rộng mở, thân thiện, năng động và hiệu quả; môi trường quản trị đại học hiện đại, văn minh và môi trường sống và làm việc giàu tính nhân văn… trong trường. Các Tiến sĩ mới về trường được tạo điều kiện ưu tiên ủng hộ trong việc đăng ký và giao kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu từ Bộ KHCN (Quỹ NAFOSTED), từ các chương trình nghiên cứu KHCN của các địa phương, bộ, ngành và các đối tác của Nhà trường ở trong và ngoài nước. Ngay năm đầu tiên về trường công tác họ đều được xét ưu tiên cấp kinh phí thực hiện một đề tài cấp trường để tiếp tục một số nội dung nghiên cứu của mình từ nước ngoài, vừa đảm bảo điều kiện làm việc ban đầu của họ, giữ vững nhịp độ và tính liên tục cho hoạt động nghiên cứu, vừa tạo điều kiện để họ tiếp cận và hòa nhập tốt vào môi trường nghiên cứu, giảng dạy và các hoạt động khác của Nhà trường.
Một hình thức khác có tác dụng khuyến khích phát triển năng lực KHCN tại Trường ĐHCN là việc chủ trì đăng cai và phối hợp tổ chức các Hội nghị khoa học quốc tế. Một số hội nghị quốc tế hằng năm hoặc định kỳ đã thành “thương hiệu” gắn với tên tuổi của Trường ĐHCN như: KSE (Knowledge & Systems Engineering) do Khoa CNTT chủ trì về chuyên môn, ATC (Advanced Technologies in Communication) do Khoa ĐT-VT chủ trù về chuyên môn có phối hợp với Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (REV), ICDV (IC Design and Verification) do Trường ĐHCN trực tiếp chủ trì phối hợp tổ chức với các đối tác Nhật Bản, NANOMATA do Khoa VLKT&CNNN chủ trì về chuyên môn, ICEMA do Khoa CHKT&TĐH chủ trì về chuyên môn. Ngoài ra, các đơn vị trong trường cũng tích cực tham gia tổ chức và hoạt động trong các ban chuyên môn của các Hội nghị toàn quốc và quốc tế như RIVF, FAIR, REV v.v…
Một chính sách khuyến khích khác đối với các hoạt động nghiên cứu là tổ chức xét và trao Giải thưởng KH&CN hằng năm và định kỳ của Trường ĐHCN cho các công trình, sản phẩm nghiên cứu KHCN hay chỉ số ảnh hưởng h-index cao của giảng viên cũng như khen thưởng bổ sung để động viên, khuyến khích khi giảng viên và sinh viên Nhà trường đoạt được các giải thưởng, hoặc cúp và huy chương tại các hội chợ, triển lãm công nghệ quốc gia và quốc tế, ví dụ như các cuộc thi Nhân Tài Đất Việt, Techmart, WIIPA, v.v…
Trường ĐHCN với tư cách một trường đại học thành viên có nhiều Tiến sĩ tham gia Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN, đang được thụ hưởng một số tiện ích của Quỹ Phát triển KHCN của ĐHQGHN. Đó là một quỹ đang vận hành với hiệu quả và tác dụng tốt, tận dụng cơ chế hoạt động đặc thù và tự chủ cao của ĐHQGHN. Theo chúng tôi, các trường đại học khác rất nên lập và khai thác tốt Quỹ Phát triển KHCN để động viên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chất lượng cao.
Trường ĐHCN luôn chú trọng cải tiến công tác quản lý và điều hành, cung cấp dịch vụ hành chính tốt nhất và đảm bảo môi trường nghiên cứu tích cực, lành mạnh nhất trong điều kiện có thể cho hoạt động nghiên cứu KHCN của các nhà khoa học giảng viên, cung cấp cho họ những hỗ trợ hiệu quả và kịp thời trong việc chuyển hóa các kết quả nghiên cứu tiềm năng thành sản phẩm KHCN có ảnh hưởng, có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và triển khai các hoạt động liên quan v.v. 
Trường ĐHCN cũng khai thác tốt tiềm năng hợp tác quốc tế để xây dựng các đề tài phối hợp nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, chẳng hạn các đề tài nghiên cứu được tài trợ bởi một số tập đoàn công nghệ như Toshiba, Panasonic, Mitani-Sangyo, Tomodigi, NEC, TUT, IMRA (Nhật Bản), IBM (Mỹ)…
  
5.Mặc dù hiện nay nhờ các chính sách khuyến khích của Nhà nước đã có khá nhiều nhà khoa học Việt Kiều về nước làm việc. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn là rất nhỏ, thực tế đang có rất nhiều các nhà khoa học trẻ, khoa học Việt kiều không muốn về nước làm việc. Dư luận cho rằng một phần lý do là chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, điều kiện môi trường làm việc chưa phù hợp… Xin thầy chia sẻ thêm về việc kiến nghị Nhà nước cần phải làm những việc cụ thể gì để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” như hiện này?
Thực tế được nói đến ở trên quả là một điều mà tất cả chúng ta đều chứng kiến và quan tâm. Tuy nhiên, thực tế ở Trường ĐHCN chúng ta trong 10 năm vừa qua lại cho thấy rằng chúng ta đã luôn luôn có một số lượng đáng kể cán bộ khoa học trẻ tiếp cận và gia nhập vào đội ngũ giảng viên. Đó là những cán bộ trẻ mới hoàn thành chương trình đào tạo, đã nhận bằng tiến sĩ và thậm chí có một số cán bộ còn kinh qua một vài năm thực hành nghiên cứu ở vị trí postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng từ nhiều nước trở về, trong đó có khoảng 25-30% là những người được Nhà trường cử đi đào tạo qua các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài trước đó. Những người này chấp nhận mức lương không hề cao tại trường mà không gia nhập các đơn vị đào tạo, nghiên cứu hay kinh doanh khác với chế độ đãi ngộ và lương bổng cao hơn nhiều. Như vậy cũng có thể có những nguyên nhân khác cần được bàn đến.
Thực ra môi trường làm việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu đỉnh cao với độ tự do hàn lâm, tự do học thuật đủ mức cần thiết, không khí trao đổi, hợp tác cởi mở không chỉ với các đối tác bên ngoài từ ngoài nước hay trong nước mà cả không khí trao đổi hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu, các cá nhân trong các khoa và trong toàn trường với nhau cùng với một số giải pháp quản lý có tính khuyến khích, động viên sẽ tạo nên sự hài lòng của các nhà khoa học dù trẻ hay già. Điều đó cũng có thể được xem là một vài kinh nghiệm nhỏ, đáng lưu ý để các cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo trong việc xây dựng các chính sách phù hợp khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” xã hội rất quan tâm.
Ở Trường ĐHCN có nhiều nhà khoa học từ nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, thông qua các chương trình hợp tác như PUF (Pháp) , VEF, Fulbright (Hoa Kỳ), KIKOS (Hàn Quốc), NVCL (ĐHQGHN), v.v… Nhà trường thưòng có 2 – 5 nhà khoa học nước ngoài làm việc giảng dạy và/hoặc nghiên cứu tại các khoa trong trường. Bên cạnh đó có nhiều nhà khoa học Việt kiều từ Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Úc, Ba Lan, … cũng về Trường ĐHCN tham gia giảng dạy các chuyên đề chất lượng cao và tham gia các nhóm nghiên cứu, hướng dẫn các NCS  của Nhà trường rất tích cực. Như vậy, không chỉ “thu hút chất xám”, mà thực chất chúng ta đang có “chất xám chảy từ ngoài về”, …
Một chính sách nữa của Nhà trường để hạn chế “chảy máu chất xám” là thường tạo điều kiện thuận lợi cho các NCS sau khi bảo vệ xong tiến sĩ ở nước ngoài thì được ở lại nghiên cứu tiếp một thời gian để tích lũy kinh nghiệm thực tế để về nước làm công tác giảng dạy và nghiên cứu thuận hơn, tốt hơn. Điều này có thể là sự khác biệt so với một số trường đại học khác ở Việt Nam: học xong thạc sĩ phải về nước (dù được cấp tiếp học bổng tiến sĩ), hoặc bảo vệ xong tiến sĩ phải về nước ngay (mặc dù được cấp học bổng postdoc), làm mất cơ hội của chính cán bộ của mình được nâng cao trình độ trong chính môi trường quốc tế. Tương tự, Nhà trường cũng tạo cơ hội tốt cho các tiến sĩ tham gia đi tu nghiệp, nâng cao trình độ, viết giáo trình, tham dự hội nghị quốc tế, trao đổi hợp tác theo các nguồn kinh phí và thỏa thuận khác nhau. Đó chính là môi trường nghiên cứu tích cực và môi trường hợp tác rộng mở để các nhà khoa học có tự do sáng tạo, tự do hàn lâm và dẫn dắt các thế hệ sinh viên, học viên, NCS… 
  
<!--[if !supportLists]-->6. Thưa thầy, cần phải làm thế nào để sinh viên đặc biệt là sinh viên Trường Đại học Công nghệ nhận thức được đầy đủ hơn vai trò của khoa học công nghệ là động lực then chốt cho sự phát triển đất nước và khoa học nói chung đồng thời xây dựng niềm đam mê nghiên cứu cho bản thân, khẳng định vai trò của giới trẻ trong đời sống xã hội qua hoạt động KH&CN? Thầy có tâm sự gì cần nhắn gửi tới thể hệ các bạn trẻ đang hướng về Trường ĐHCN nhân Ngày KH&CN Việt Nam?
Khi sinh viên đã chọn theo học một ngành khoa học nhất định tại một trường đại học nào đó thì họ cũng đã cho thấy xu hướng phát triển của chính bản thân họ là họ sẽ đi theo hướng trở thành những nhà khoa học, chuyên tâm nghiên cứu phát hiện những cái mới, sáng tạo những cái chưa hề có mà con người cần dùng, xã hội cần có v.v… để góp phần phát triển các tri thức mới, phát triển những hiểu biết sâu sắc hơn góp phần nâng cao hiểu biết của con người về các thực thể tự nhiên và xã hội là đối tượng nghiên cứu của khoa học, hay góp phần phát triển sáng chế, thiết kế và chế tạo các vật liệu linh kiện, các quy trình mới, các công nghệ mới đáp ứng nhu cầu tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người v.v.
Như vậy, việc quảng bá sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Nhà trường tới những người học tương lai (sinh viên hay học viên cao học, nghiên cứu sinh) là đặc biệt quan trọng. Trường ĐHCN luôn cố gắng làm tốt việc này. Khi sinh viên đến trường, các cuộc đối thoại với sinh viên mới về phương pháp học tập nghiên cứu, về triết lý đào tạo của Nhà trường có tác dụng rất tốt đối với họ, giúp họ sớm vượt qua được các mặc cảm, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và tự tin, say mê tập trung vào học tập. Trường ĐHCN muốn khơi dậy niềm sáng tạo, ý chí vươn lên, say mê trong khoa học, công nghệ. Khẩu hiệu “The University of Engineering and Technology – Where your Creativity grows” -  “Trường ĐHCN – Nơi luôi lớn Chí Sáng tạo của bạn” và “Advanced Technology with Innovations” – “Công nghệ tiên tiến với sáng tạo và đổi mới”, đó là những khẩu hiệu hành động của Trường ĐHCN.
Thông qua các hoạt động quản lý và sinh hoạt chuyên môn của Nhà trường, tư tưởng tích hợp hoạt động nghiên cứu vào quá trình đào tạo phải được thiết kế chuẩn xác, quán triệt tới toàn thể đội ngũ giảng viên và thực hiện một cách nhất quán trong mọi công đoạn của quá trình đào tạo. Bài giảng của giảng viên ngoài việc cung cấp các kiến thức cơ bản, cơ sở của môn học còn cần chỉ rõ cho sinh viên các kiến thức đó được ứng dụng để phát triển một vật liệu, một thiết bị, một chức năng của thiết bị, một quy trình sản xuất, một công nghệ hoàn chỉnh như thế nào, và cũng cần hướng dẫn cho sinh viên tác phong tự lập tìm hiểu và lập luận phát hiện các tri thức mới, hoàn thiện hiểu biết của mình, tăng cường phong thái học tập tích cực chủ động v.v… Ở đây tôi muốn nói đến chúng ta cần đào tạo các ngành công nghệ bằng việc tập trung dạy cho sinh viên không chỉ “dùng thế nào” (how to use) mà cần nhấn mạnh việc dạy “làm thế nào” (how to make), v.v. 
Đó là những điều mà trường chúng ta đã làm được, đang cố gắng làm tốt hơn, từng bước giúp sinh viên cảm thấy hứng thú hơn, say mê hơn và tích cực hơn trong việc thực hiện ước mơ, hoài bão của các em khi các em đăng ký dự thi vào trường.
Về nhắn nhủ với các bạn trẻ: Nhà nước tổ chức Ngày KH&CN là nhằm dành cho thế hệ trẻ, chủ yếu hướng tới thế hệ trẻ, nhằm thổi lên ngọn lửa nhiệt tình của các bạn trẻ đối với khoa học. Đây là cơ hội tốt để khoa học tìm đến các bạn và để các bạn đến với khoa học mạnh mẽ và khát khao hơn. Khoa học là cơ sở trí thức phục vụ cho việc phát triển và năng cao năng lực, hiệu quả và thành quả sản xuất và sản xuất muốn đạt tới đỉnh cao thì phải có khoa học hỗ trợ và dẫn đường. Cuộc sống với khoa học và công nghệ cũng thế. Ngạn ngữ Nga có câu “không có gì là không thể, chỉ có điều là con người phải rất muốn nó”. Các bạn trẻ hãy xây dựng cho mình ước mơ thành đạt về KH&CN, có mong muốn, quyết tâm đạt kết quả thực hiện ước mơ đó thì các bạn sẽ đạt được.
Tôi xin dẫn lại lời Bác Hồ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…” đã phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963, và đó là ngày mà Nhà nước ta chọn làm Ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Trong lời nói ngắn gọn nêu trên, Bác đã chỉ rõ nguyên lý, mục tiêu và sứ mệnh cao cả của KH&CN. Và nhân ngày này, tất cả chúng ta hãy làm tất cả mọi việc có thể để góp phần của chính bản thân mình vào sự nghiệp phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Thời khóa biểu

  • TKB HK2
    TKB Phụ đạo K12Tải về
  • TKB HK1
    TKB HK1 (áp dụng từ ngày 16/3)Nhấn vào đây để tải về

Thổng kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 45

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 7291

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 263652

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8797721